Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Ngũ trùng huyền nghĩa (4)



IV. NÓI RÕ LỰC DỤNG CỦA BỘ KINH

     Sinh sang Tịnh Độ lên ngôi Bất Thoái là cái điểm lực dụng (dùng sức tu hành) của bộ kinh này.
      Sinh sang Tịnh Độ thì có bốn cõi, mỗi cõi đều có 9 phẩm để cho 3 hạng người được sinh sang. Nay hãy nói qua tướng trạng của những người được sinh sang 4 cõi (1).
      1) Người nào niệm Phật mà chưa đoạn trừ được Kiến Hoặc (2) và Tư Hoặc (3), những người này chia làm 3 hạng, tùy theo tâm người nào tán loạn hay là tâm yên định, sẽ sinh sang 9 phẩm ở cõi Đồng Cư (cõi này có cả phàm và thánh cùng ở chung với nhau).
2) Người nào niệm Phật đến thời kỳ Sự nhất tâm bất loạn thì Kiến Hoặc và Tư Hoặc tự nó đã tiêu tan hết rồi, sẽ được sinh sang cõi Phương Tiện Hữu Dư (cõi này riêng cho các vị Thanh Văn, Duyên Giác).
3) Người nào niệm Phật đến thời kỳ Lý nhất tâm bất loạn, đã phá tan được từ một phẩm cho đến 41 phẩm vô minh, sẽ được sinh sang cõi Thực Báo Trang Nghiêm, có khi chứng được một phần ở cõi Thường Tịch Quang (cõi này riêng cho Báo Thân Phật và các vị đại Bồ Tát).
4) Người nào niệm Phật đã phá tan hết 42 phẩm Vô Minh thời được sinh lên Thượng Thượng Phẩm ở cõi Thực Báo Trang Nghiêm, hay là ở cõi rốt ráo Thường Tịch Quang (cõi này riêng của Báo Thân Phật và Pháp Thân Phật).
     Bất Thoái có bốn nghĩa:
1. Niệm bất thoái.
2. Hạnh bất thoái.
3. Vị bất thoái.
4. Tất cánh bất thoái.
  - Lên ngôi Niệm Bất Thoái là người đã phá hết vô minh, đã hiểu rõ Phật tính, đã sinh thẳng sang cõi Thực Báo, hay là cõi Phần Chứng Thường Tịch Quang.
- Lên ngôi Hạnh Bất Thoái là người đã đoạn hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc (4) cũng đã phá được, được gửi thể chất vào trong hoa sen, vĩnh viễn dứt hết mọi ác duyên thoái chuyển.
      - Lên ngôi Vị Bất Thoái là người mang cả ác nghiệp mà sinh sang cõi Đồng Cư, được gửi thể chất vào trong hoa sen, vĩnh viễn dứt hết mọi ác duyên thoái chuyển.
- Tất cánh Bất Thoái là những người niệm Phật, bất luận là nhất tâm hay tâm tán loạn, hữu tâm hay là vô tâm, hiểu hay là chẳng hiểu, miễn là danh hiệu chư Phật ở sáu phương, hay là cái tên bộ kinh này, một khi đã lọt vào tai rồi, thì dù có lâu đến nghìn vạn kiếp về sau, tất cũng phải có ngày được độ thoát. Người nghe phải danh hiệu Phật lọt vào tai rồi, thì thế nào cũng phải được độ thoát, giống như người nghe phải cái tiếng trống có bôi thuốc độc lọt vào tai rồi thì dù ở gần hay xa, thế nào rồi cũng phải chết (giống ác phải chết), hay là giống như người ăn phải một tí kim cương vào bụng, rồi thì chẳng đời nào tiêu hóa được (mầm thiện vẫn còn).
Lại một sự lạ nữa, là cầu sao được mang cả nghiệp mà đi sinh vào cõi Tịnh Độ Đồng Cư để chứng được Vị Bất Thoái là đã được với các vị Bồ Tát Bổ Xứ cùng ở đấy rồi. Mình cũng được như các vị ấy, chỉ một lần sinh ra ấy là đã được bổ vào ngôi Phật. Nguyên vì, đã được cùng với các vị thượng thiện nhân ấy cùng ở một nơi, thế là được vào cõi Đồng Cư, mà là được sinh tắt qua cả 3 cõi Tịnh Độ ở trên rồi. Chỉ một lần sinh ra ấy mà được bổ làm Phật thế là được lên ngôi Vị Bất Thoái, mà tức là đã chứng được đủ cả ba ngôi Bất Thoái. Trong bộ kinh này, dùng sức tu mạnh được như thế, thì trong ngàn vạn bộ kinh luận khác, chưa từng có một bộ nào nói được như thế (từ xưa đến nay, chưa ai khám phá cái nghĩa này). Đem so sánh với cái mầm chính của phép Đốn Ngộ Thiền tông kia chỉ là một phép đưa dần người tu ra khỏi trần lao, đời này, đời khác sinh ra mà không thoái chuyển, thì mới có hy vọng noi lên ngôi Phật, thực là chẳng thể nào cùng với phép tu Tịnh Độ này cùng nói trong một ngày được (lời nói đanh thép). Các vị sĩ phu trong Thiền tông và trong các Giáo môn, sao không nghĩ đến?
(1) Tịnh Độ có bốn cõi: 1) Đồng Cư ; 2) Phương Tiện Hữu Dư ; 3) Thực Báo Nghiêm ; 4) Thường Tịch Quang
Mỗi cõi có 9 phẩm: 1) Thượng thượng; 2) Thượng trung; 3) Thượng hạ;ï 4) Trung thượng; 5) Trung trung; 6) Trung hạ; 7) Hạ thượng; 8) Hạ trung; 9) Hạ hạ.
Ba hạng người được vãng sinh: Thượng bối, Trung bối và Hạ bối.
(2) Kiến Hoặc là bị nhiều thành kiến, tà kiến làm cho tâm mê hoặc vì tin theo các thuyết của các đạo tà, ma, thần, quỷ, các học thuyết của các chủ nghĩa sai lầm.
(3) Tư Hoặc là bị các phiền não là: tham, sân, si, mạn, nghi v.v… làm cho tâm mê hoặc.
(4) Trần Sa Hoặc là còn nhiều thứ mê hoặc nhiều như cát, như bụi, không kể xiết. Lên ngôi đại Bồ Tát phải đoạn trừ cho thật hết những mê hoặc sa trần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét