Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Ngũ trùng huyền nghĩa (5)



V. NÓI VỀ GIÁO TƯỚNG CỦA BỘ KINH

          Mỗi giáo pháp của Phật nói ra đều có một tướng trạng riêng, gọi là Giáo tướng. Giáo tướng của bộ kinh này thuộc về loại Đại Thừa Bồ Tát Tạng. Lại là một bộ kinh “không ai hỏi mà tự Phật nói ra”. Kinh này được tấm lòng triệt để Đại Từ của Phật phù trì thêm cho, có năng lực khiến những hữu tình nhiều nghiệp chướng ở đời Mạt Pháp nhờ đấy mà được lên thẳng ngôi Bất Thoái.
      Bởi thế mà đến đời sau, đời kinh Pháp của Phật đã diệt hết rồi, chỉ riêng kinh này còn được lưu lại ở đời một trăm năm nữa, để độ cho loài hàm thức (1) được thật nhiều. Thật là một vị thuốc A Dà Đà cứu chữa được vạn bệnh, một bộ kinh tuyệt đối viên dung chẳng khá nghĩ bàn. Những phép tu bí áo trong kinh Hoa Nghiêm (là 10 đại nguyện của đức Phổ Hiền), những phép tu cốt tủy trong kinh Pháp Hoa (là thành Phật), là tâm yếu của hết thảy chư Phật, là kim chỉ nam cho nghìn vạn lối tu của Bồ Tát, đều rút cả vào trong bộ kinh này rồi; muốn tán thán và nói rộng mãi ra thì dầu hết bao nhiêu kiếp cũng chẳng hết, người trí giả phải tự mình nên biết lấy.
      (1) Hàm là ngậm. Thức là cái hiểu biết. Hàm thức tức là chúng sinh hay hữu tình, là các loài có hiểu biết, có tình cảm bao hàm ở trong thân thể.
      Bây giờ bắt đầu vào văn kinh, phải chia làm ba phần:'
      A. PHẦN TỰA (từ câu: “Như thị ngã văn” đến câu: “Kim hiện tại thuyết pháp”)
      B. PHẦN CHÍNH TÔNG (từ câu: “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc?” đến câu: “Văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện sinh bỉ quốc độ”)
      C. PHẦN LƯU THÔNG (từ câu: “Như ngã kim giả, tán thán A Di Đà Phật…” cho đến hết.)
      Ba phần này gọi Sơ Thiện, Trung Thiện và Hậu Thiện, nghĩa là phần đầu, phần giữa và phần cuối, phần nào cũng hoàn thiện, cũng quan hệ.
      Phần Tựa giống như đầu người ta, có đủ ngũ quan. 
      Phần Chính Tông giống như thân người có đủ lục phủ, ngũ tạng.
      Phần Lưu Thông giống như chân tay, vận động, hành vi không ngưng trệ.
      Cho nên ngài Trí Giả thích nghĩa kinh Pháp Hoa, ngay phẩm thứ nhất đều cho là phần Tựa. Về sau mười một phẩm rưỡi đều cho là phần Lưu Thông. Lại trong một thời kỳ, hai môn Bản và Tích, mỗi môn chia làm ba đoạn, thế thời từ phẩm Pháp Sư trở xuống 5 phẩm đều là phần Lưu Thông của Tích Môn.
      Bởi vì phần Tựa phải là cương lĩnh của cả một bộ kinh, phần Lưu Thông là phần Pháp thí không úng tắc, cả hai phần đều quan hệ rất lớn. Người sau không hiểu nghĩa ấy, thấy văn kinh hơi có chút nghĩa lý liền cho vào phần Chính Tông đến nỗi phần Tựa và phần Lưu Thông chỉ còn một ít sáo cũ. Thế thì sao gọi là phần đầu cũng hoàn thiện và phần cuối hoàn thiện được?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét