Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Ngũ trùng huyền nghĩa (2)



II. BIỆN LUẬN VỀ THỂ CHẤT CỦA BỘ KINH
 
          Kinh Đại Thừa nào cũng phải lấy Thực Tướng làm thể chất chính của bộ kinh (1). Thực Tướng là cái gì? Thực Tướng là tâm tính của con người ta. Tâm tính của con người ta nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng) (2). Đối với không gian nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Đối với thời gian, nó chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Đối với mầu sắc, nó chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng… Đối với hình thức, nó chẳng phải dài, ngắn, vuông, tròn… Đối với phẩm chất, nó chẳng phải Hương, chẳng phải Vị, chẳng phải Xúc, chẳng phải Pháp… Tìm nó mãi chẳng thể thấy được, mà chẳng khá bảo rằng nó là cái không thực có; nó tạo ra được đủ 100 pháp giới, 1.000 cái Như Thị (3), mà chẳng khá bảo rằng nó là cái thực có. Nó không phải là hình tướng của những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, bằng chữ viết, câu văn; thế mà những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, chữ viết, câu văn đều không có tự tính nếu không có nó. Tóm lại, nó chẳng phải là hết thảy mọi hình tướng, mà nó tức là hết thảy mọi pháp (mọi sự, mọi vật). Vì nó chẳng phải là mọi hình tướng, cho nên nó không có hình tướng; nhưng nó tức là mọi pháp cho nên hình tướng nào nó cũng có. Bất đắc dĩ, chẳng biết gọi nó là gì, phải miễn cưỡng gọi nó là “Thực Tướng” vậy. Thể chất của Thực Tướng chẳng phải yên lặng (tịch), chẳng phải soi sáng (chiếu), lại vẫn yên lặng mà thường soi sáng, vẫn soi sáng mà thường yên lặng (tịch chiếu, chiếu tịch).
Vì nó soi sáng mà yên lặng, nên miễn cưỡng gọi nó là chỗ ở Thường Còn, Yên Lặng, Sáng Ngời (Thường Tịch Quang Độ) (4). Vì nó yên lặng mà soi sáng, nên miễn cưỡng gọi nó là Thân Pháp Tính Trong Sạch (Thanh Tịnh Pháp Thân).
      Lại còn, nó vừa Chiếu và Tịch, nên miễn cưỡng gọi nó là Pháp Thân; nó vừa Tịch vừa Chiếu, nên miễn cưỡng gọi nó là Báo Thân. Lại còn, trong nó có hai Đức, một đức về phần Tính và một đức về phần Tu. Tu đức của nó cũng vừa Tịch vừa Chiếu, nên gọi nói là Báo Thân.
      Lại nữa, Tu đức của nó vừa Chiếu vừa Tịch, nên gọi là Thụ Dụng Thân. Tu đức của nó vừa Tịch vừa Chiếu nên gọi là Ứng Hóa Thân.
      Phần Tịch, phần Chiếu chẳng phải là hai. Phần Tính, phần Tu chẳng phải là hai. Thân với Độ (5) chẳng phải là hai. Cái gì cũng là Thực Tướng cả. Thực tướng không phải là hai, cũng không phải là chẳng hai. Bởi thế, cho nên có khi toàn thể cái Thực Tướng ấy, cái thì tạo ra y báo, cái thì tạo ra chính báo, cái thì tạo ra Pháp Thân, cái thì tạo ra Báo Thân, cái thì tạo ra tự mình, cái thì tạo ra kẻ khác v.v… cho đến có khi: cái thì tạo ra người Năng Thuyết (6), cái thì tạo ra người Sở Thuyết (7), cái thì tạo ra người Năng Độ (8), cái thì tạo ra người Sở Độ (9), cái thì tạo ra Năng Tín, cái thì tạo ra Sở Tín, tạo ra Năng Nguyện, Sở Nguyện, Năng Trì, Sở Trì, Năng Sinh, Sở Sinh, Năng Tán, Sở Tán v.v… cái gì cũng là “nét in” của “con dấu” Thực Tướng đã in ra cả.
(Lời người dịch: Ý nghĩa huyền bí của tầng thứ hai này là: Tất cả những cái gì nói ở trong bộ kinh A Di Đà đều là những cái do Thực Tướng tâm tính Bồ Đề của con người ta hay là của chư Phật, hay là của chúng sinh đã tạo ra tất cả. Tức là cái nghĩa huyền bí ở trong câu: “Nhất thiết duy tâm tạo” ở kinh Hoa Nghiêm, hay là ở trong câu: “Thị chư Pháp Thực Tướng” ở kinh Pháp Hoa, hay là ở trong câu “Nhất thiết duy tâm sở hiện” ở kinh Thủ Lăng Nghiêm. Vậy chỉ có tâm Bồ Đề của con người là Chính Thể của tất cả kinh Đại Thừa. Hiểu được huyền nghĩa này, các kinh sẽ hiểu).
      (1) Chỗ này người tu học phải để ý nghiền ngẫm sâu xa lắm mới hiểu được, đừng có cho là lời nói suông, xem qua rồi bỏ đấy. Thể chất chính là cốt tủy của bộ kinh, ý nói kinh Đại Thừa nào cũng phải lấy cái Thực Tướng là tâm tính của con người làm cốt tủy. Tâm tính đây là tâm tính Bồ Đề chân thực, sống lâu sáng suốt vô cùng tận, tràn đầy khắp mười phương ba đời vô tận, vô biên, chứ không phải là cái tâm tính vọng tưởng nghĩ lăng xăng suốt đêm ngày ở trong trái tim, khối óc.
(2) Chữ Hán là: “Ngô nhân hiện tiền nhất niệm tâm tính”.
(3) Trong vũ trụ này có 10 pháp giới: một giới Phật và 9 giới chúng sinh là: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, nhân, A Tu La, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Mỗi một Thực tướng tạo ra được đủ mười pháp giới. Mỗi một pháp giới phải có 10 mầm mống pháp giới ở trong, thế là 10 pháp giới mà thành ra 100 pháp giới. Như tôi là “người – nhân” thì trong tôi phải có đủ cả 10 cái mầm pháp giới. Siddhartha là Phật thì trong Phật cũng phải có đủ cả 10 cái mầm pháp giới, còn 8 pháp giới kia cũng thế.
Mỗi một pháp giới lại có 10 cái “đúng như thế” tức là 10 cái “Như Thị”. Diệu lý của Thực Tướng từ xưa đến nay vẫn như như chẳng hề biến đổi, nên gọi là Như; y vào Thực Tướng và phải hiện ra Thế Đế nên gọi là Thị. Hai chữ Như Thị là trạng thái của Thực Tướng nó phải Như Như Thế Thế. Mỗi một pháp giới phải có 10 cái Như Thị, 100 pháp giới thành ra 1.000 cái Như Thị.
      Mười Như Thị là: 1) Tướng 2) Tính 3) Thể 4) Lực 5) Tác 6) Nhân 7) Duyên 8) Quả 9) Báo 10) Bản mạt cứu kính đẳng (cái gì cũng có gốc, có ngọn, từ gốc đến ngọn đều rốt ráo bình đẳng) (xem kinh Pháp Hoa).
(4) Độ là cõi đất, nghĩa rộng là cái chỗ để yên thân, cho nên đã có thân thì phải có độ là chỗ để yên thân.
Lời người dịch: Xin lỗi độc giả, phần nhiều danh từ không thể dịch được, đành phải để nguyên văn, rồi cắt nghĩa vậy:
(5) Thân là cái thân con người. Độ là cái chỗ để ở yên thân.
(6) Năng thuyết là người nói ra kinh này, tức là Phật Thích Ca.
(7) Sở thuyết là người bị nói đến ở trong kinh này, tức là Phật A Di Đà.
(8) Năng độ là người có năng lực cứu độ, tức là chư Phật.
(9) Sở độ là người được độ, tức là chúng sinh.
      Năng tín là cái tâm mình tin tưởng. Sở tín là cái pháp mình tin tưởng. Năng nguyện là cái tâm mình phát nguyện phải làm cho được, tức là mình quyết định bỏ ác ở Ta Bà, làm thiện ở Tịnh Độ. Sở nguyện là nơi mình sở thích ở, tức là thế giới Cực Lạc. Năng trì là 3 nghiệp thân, miệng, ý của mình vì nó cùng chấp trì được danh hiệu Phật. Sở trì là danh hiệu Phật bị chấp trì. Năng sinh là ba món tư lương: “Tín, Nguyện, Hạnh” để cho mình đi đường sinh Tịnh Độ. Sở sinh là bốn cõi Tịnh Độ: “Thường Tịch Quang, Thực Báo Trang Nghiêm, Phương Tiện Thánh Cư và Cực Lạc Đồng Cư”, là nơi mình được sinh sang. Năng tán là người hay khen ngợi, tán thán, tức là Phật Thích Ca và chư Phật ở khắp mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Sở tán là phần độ Y Báo và phần thân Chính Báo của đức A Di Đà được tán thán, khen ngợi.
Lại còn, chữ Tịch là cái thể chất yên lặng của Thực Tướng; chữ Chiếu là cái thể chất soi sáng của Thực Tướng. Pháp Thân là cái thân Pháp Tính, giác quan của loài chúng sinh chẳng thể nào cảm thấy được. Báo Thân là cái thân quả báo tốt lành, bởi công đức tu hành kết lại mà hiện ra. Thụ Dụng Thân là cái thân để cho mình thụ dụng, hay để cho người khác thụ dụng. Ứng Thân là cái thân ứng hiện và biến hóa ra để cứu các loài chúng sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét