Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Công Đức và Phước Đức

Trích trong Thư viện Hoa Sen
Tác giả : Ban Biên Tập
Tôi thường hay đến chùa và thỉnh thoảng có nghe vài người bạn đạo nói rằng: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu huệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba.  Như vậy ý này là thế nào? Và kiếp này có nên tu phước không hay là để tránh kiếp thứ ba khỏi bị tai họa thì phải ngưng tu phước mà chỉ tu huệ thôi? Và tu huệ là tu cái gì? Kính mong quý vị chỉ dẫn giùm cho chúng tôi hiểu
Trước khi trả lời thư của vị thính giả, chúng tôi mời quý vị nghe lại bốn câu kệ trong kinh Pháp Cú: 
Không làm các điều ác 
Nên làm các việc lành 

Tự thanh tịnh tâm ý 

Đó là lời Phật dạy. 

Qua bốn câu kệ trên, chúng ta thấy rằng tiến trình tu tập giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn.  
Không làm điều ác, nên làm điều lành là hai bước đầu tiên trong việc tu tập, tuy thế chúng ta cần biết rõ ràng thế nào là Thiện, thế nào là Ác.  Đối với đạo Phật, có thể nói, tiêu chuẩn để xác định Thiện hay Ác căn cứ vào hai yếu tố hạnh phúc và khổ đau.  Hành động, từ lời nói, ý nghĩ đến việc làm, nếu đem lại hạnh phúc cho chúng sinh là Thiện và hành động gây khổ đau cho chúng sinh là Ác.  Nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho chúng sinh khác cũng là việc làm ác. Tránh gây khổ đau cho người cũng tức là tránh tạo nghiệp ác cho mình.  
Như vậy khi chúng ta làm những việc thiện lành như bố thí tiền bạc, tài sản, bố thí Pháp, chia sẻ những ưu tư, những khổ đau của người khác là chúng ta đang tu phước.  Tu phước chính là gieo những hạt giống lành, hạt giống thiện, tựa như việc cất giữ tiền của vào trương mục tiết kiệm ở ngân hàng để sau này dùng dần, tức được hưởng niềm hạnh phúc an lạc.  Vì niềm an lạc hạnh phúc là điều ai ai cũng mong muốn, cho nên việc gầy dựng niềm an vui hạnh phúc cho người cũng tức là tạo nhân hạnh phúc an vui cho mình, và từ đó, nhân rộng ra cho xã hội, cho chúng sinh.  Niềm an lạc hạnh phúc không thể ngẫu nhiên đến với chúng ta, mà là do công phu tránh dữ làm lành, tránh tội làm phước bồi đắp hàng ngày. 
Phước giúp chúng ta đẩy lùi những nghiệp xấu ác của nhiều kiếp trổ ra và có công năng giúp cho chúng ta sáng suốt, thấy rõ những sự việc sai trái trên đường đời, hoặc giúp chúng ta thoát khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng.  Có những việc chúng ta tưởng chừng như buông xuôi hàng phục, vậy mà nhờ phước rồi cũng vượt thoát được.  Trong sáu hạnh tu của nhà Phật gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí Tuệ, thì Bố thí là hạnh đầu tiên. Nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy được việc gieo trồng nhân phước là quan trọng dường nào. 
Thưa quý thính giả, 
Con đường tu tập của Phật tử không chỉ giới hạn vào việc tu phước, vào việc làm lành tránh ác để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì như thế vẫn còn trôi lăn trong vòng sinh tử của thế giới tương đối, chưa phải là mục đích chính của đạo Phật. Đạo Phật xuất hiện trên đời là vì có sự giác ngộ của đức Phật, từ sự giác ngộ này, đức Phật chỉ con đường cho chúng sinh tu để giác ngộ như Ngài, tự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Con đường giải thoát này phải thực hiện bằng trí tuệ.  
Như vậy tu Tuệ hay tu giải thoát là bước thứ ba của tiến trình tu tập, còn gọi là “Tự tịnh kỳ ý”.  
Tu Tuệ là công phu tu tập các phương pháp làm cho tâm lắng xuống, nhằm dứt trừ vọng tưởng để thành tựu được Trí Tuệ Bát-nhã. Bát-nhã là phiên âm của tiếng Phạn paramita, có nghĩa là "qua bờ bên kia", bờ bên kia là Niết Bàn thanh tịnh, bờ bên này là đời sống tương đối.  Trí tuệ này không phải là kiến thức do học hỏi kinh sách, không phải là trí thông minh bình thường.  
Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng.  Một số những pháp môn này như sau:  
- Quán tưởng: chú tâm quán sát sâu xa về một đề mục rút trong giáo lý. 
- Trì chú: chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn. 
- Niệm Phật: chú tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. 
- Tham thiền: chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu. 
Nhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhấy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.  
Hành giả nên chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, và khi thực hành thì nên theo tông chỉ của pháp môn đó mới có kết quả. Dù thực hành theo pháp môn nào cũng nên có một vị thầy hướng dẫn. 
Thưa quý thính giả, 
Trở lại câu hỏi của vị thính giả: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu tuệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba", như vậy ý này là thế nào? ”  
Chúng tôi xin thưa rằng, theo luật Nhân Quả, tu phước trong kiếp này sẽ được quả tốt trong kiếp tới.  Kiếp tới không hẳn là kiếp thứ hai mà có thể là ở một kiếp vị lai nào đó.  Bởi vì nhân phải hội đủ duyên thích hợp mới trổ quả.  
Do nhân tu phước ở kiếp này mà kiếp tới có thể sẽ được làm một nhân vật có quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ, giầu sang sung sướng. Do được hưởng thiện báo đó mà người ta dễ buông lung trong trường dục lạc.  Khi ấy thì dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo, cũng khó làm cho họ nghe theo vì họ đang trong cơn say sưa mê đắm với dục vọng.  Vì vậy nhà Phật cảnh giác người tu Phước rằng trong khi tu Phước, phải đồng thời tu Trí Tuệ, học tập giáo lý nhà Phật, dành chút thời giờ để thực tập tĩnh tâm, như thế là Phước Tuệ song tu. Chứ nếu giầu sang sung sướng, mà không có nhân hiểu biết giáo lý, không giữ gìn giới hạnh cho đàng hoàng, thì cũng rất dễ trở thành con người phóng túng, dễ tạo nghiệp xấu, thì một kiếp nào đó trong tương lai sẽ gặt quả báo xấu tuỳ theo nghiệp đã tạo.  Nên mới gọi là tai hoạ cho kiếp thứ ba là thế. 
Nói tóm lại tiến trình tu giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn.  Việc lấy thiện diệt ác, cứu giúp chúng sinh, bố thí cúng dường, chỉ là bước đầu trong con đường tu tập để đi đến giải thoát giác ngộ.  Tuy là bước đầu nhưng lại là bước căn bản.  Người ta thường nói “đi buôn cần vốn, đi tu cần Phước”.  Cho nên việc gieo trồng nhân phước rất là quan trọng.  Riêng đối với những người muốn tiến xa hơn, muốn hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, thì bản thân hành giả phải tự mình thanh tịnh tâm, chấm dứt dòng vọng tưởng miên man che mờ Chân Tâm, để Trí Tuệ Bát Nhã, cũng còn gọi là Phật Tánh, hoặc Chân Tâm được hiển lộ. 
Thưa quý thính giả, 
Chúng tôi xin lược trích câu chuyện về vấn đề "gieo nhân lành được hưởng thiện báo", do đạo hữu Viên Nhẫn kể trong bài "Phước nghiệp cho hành trình tiến tu", như sau: 
"Nhân đây chúng tôi (chúng tôi ở đây tức là đạo hữu Viên Nhẫn) xin kể lại một kinh nghiệm mới xảy ra cho đạo hữu N.C., một Việt kiều ở Pháp . Tháng 11-2000 , trong thời gian ở VN cô đã tham gia nhiều công tác từ thiện, nhất là mua thật nhiều cá để phát tâm cho hạnh phóng sinh. Sau khi lên núi tham quan một ngôi chùa ở Vũng Tàu trở về thì cô lâm trọng bệnh. Vì vốn có sẵn bệnh tim nên cô đã phải dùng một dược chất cực mạnh. Tuy nhiên thuốc đã không giúp được gì cho cô trong lúc này, hơi thở cô trở nên ngắn lại, cô ói mửa liên miên , đầu óc choáng váng , mở mắt ra không thấy gì chung quanh, mà chỉ thấy một cụm đen cuốn tròn như đưa vào một đường hầm đen tối, cô thấy thật là ngột ngạt, không dám mở mắt ra nữa. Sau đó cô không còn biết gì. Người nhà khẩn cấp đưa cô vào bệnh viện và theo như họ kể lại, thì lúc bấy giờ dù rằng rất yếu nhưng không hiểu tại sao cô lại có những bước đi thật vững vàng, nhanh hơn những người đang dìu cô đi, thành ra cô đã được kịp thời chạy chữa trong phòng cấp cứu. Sau này cô kể lại là bình nhật cô thường niệm Phật, nhưng lúc đó cô đã không niệm được, nhưng chuyện cô đi phóng sinh lại hiện ra trước mắt cô, nào là hình ảnh đau thương của những con ếch sắp bị chặt đầu với hai tay chắp lạy như van xin, nào là chuyện những ngày đến chợ cá thật sớm để đón mua những sinh vật sắp bị hành quyết. Tâm từ bi của cô đã khởi lên trong cận tử nghiệp, thiện pháp đã bộc phát thật mạnh trong cô và như chúng tôi đề cập về công năng của một người thường hay làm phước ở đoạn trên, cô đã nhận được luồng sóng gia hộ để vượt qua cái chết. Ðây thật là sự vi diệu của giáo lý nhân quả, phước quyết định cho mọi sự, chúng ta nên tận dùng thân người này để sống một đời vị tha, đó là con đường phải trải qua cho vơi đi bao nghiệp tội mà chúng ta đã phạm trong quá khứ". 
Đạo hữu Viên Nhẫn cũng góp ý về hạnh Pháp thí như sau: 
"Hạnh pháp thí gồm có truyền giảng chánh pháp cho người nghe hay trợ duyên cho việc chuyển lăn bánh xe pháp, làm cho Phật pháp ngày càng lan rộng. Sự trợ duyên này gồm có : ấn tống Kinh sách, phát hành băng , tài trợ cho quý Tăng, Ni sinh đi học, hay yểm trợ cho những khoá tu học. Gieo nhân duyên nghe pháp cho người là công đức cao nhất trong các hàng bố thí, nhờ nhân duyên pháp thí này mà quả báo mang lại cho đời sau là sớm gặp được những bậc thức giả dẫn dắt trên con đường cầu tìm học đạo. Giúp cho một người có được thiện duyên nghe pháp là giúp họ một cơ hội tiến gần đến Tam Bảo, xa dần những hệ lụy của bóng đêm nghiệp chướng , mở đường cho chuyến vượt thoát dòng sinh tử luân hồi. 
Một điểm cần nêu ra ở đây để không gây ra ngộ nhận, chúng tôi không bao giờ phản bác việc tu Huệ. Phước Huệ song tu vẫn là điều tốt nhưng đừng bao giờ xem nhẹ việc làm phước , vì phước là nền tảng cho Trí Huệ, là tiến trình cho con đường vượt thoát dòng sinh tử." 
Trong cuốn Bố Thí Ba La Mật, thày Thích Trí Siêu dạy: 
"Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng. . . 
Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí" 
Thưa quý thính giả,  
Như quý vị đã thấy, bố thí vẫn là điều kiện cốt tủy cho người Phật tử, không những thế, còn là điều cốt tủy cho tất cả mọi người nói chung. Có câu: "Người CHO "được" nhiều hơn người NHẬN". Bởi vì người NHẬN chỉ được chút vật chất, nhưng người CHO được cả một niềm vui tinh thần, và cái thiện nhân bố thí sẽ còn lưu lại tới sau này.  
Tuy vậy, đồng thời với bố thí là tu Phước, chúng ta cũng cần phải trau giồi giáo lý và mỗi ngày dành chút thời giờ để tĩnh tâm, đó là tu Huệ, tu Trí Tuệ. Chúng ta chỉ cần ngồi lặng lẽ tại một nơi an tĩnh, nếu tại nơi thờ Phật thì tốt, nếu không thì có thể ở bất cứ chỗ nào tĩnh mịch, góc nhà, góc vườn, vân vân, rồi tự mình theo dõi hơi thở của chính mình, mỗi lúc thở ra thở vô đều nhận biết rõ, thì đó cũng là chúng ta đang đặt viên đá đầu tiên trên con đường Tu Tuệ. Cũng như mỗi ngày chúng ta phải tắm rửa thân thể, tâm chúng ta cũng cần có chút thời giờ hoàn toàn an tịnh để tự thanh lọc. 
Trong lịch sử và văn học sử, những câu chuyện đẹp về những con người sống một cuộc đời hào sảng, đầy nghệ thuật, đều là những người biết buông xả, biết bố thí và biết nhìn cuộc đời một cách phóng khoáng. Tác giả Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm Trà Kinh, có kể câu chuyện huyền thoại về một người đàn bà nghèo nhưng hào hiệp đã vô tình sáng tạo ra loại danh trà Long Tỉnh như sau: 
"Nếu nói rằng huyền thoại là một hình thức ca tụng những gì người ta yêu quý, thì trà Long Tỉnh là một thí dụ điển hình. . .  
. . . Truyện kể rằng có một bà cụ chỉ trồng được một số gốc trà nhưng tính tình rất hào hiệp và lương thiện, vẫn dùng trà của mình thiết đãi tất cả những nhân công hái trà quanh vùng. Ngày kia có một phú thương đi ngang, sau khi được uống trà, ông hết sức ca tụng bà cụ và trách rằng người phúc đức như bà cụ thì Trời phải cho giầu. Bà cụ chỉ cười, nói rằng tạm no và không đói rách đã là may mắn lắm rồi.. Ông phú thương muốn giúp bà cụ nên hỏi mua cái chậu đá khổng lồ cũ kỹ ngoài sân. Chậu đá không hiểu có từ bao giờ và bị chôn lấp bởi hàng ngàn vạn lá trà hàng xóm rơi sang bao nhiêu năm. Bà cụ nhận bán và hẹn hôm sau ông phú thương cho người và xe đến dời đi. Hôm sau ông phú thương lại lấy đồ thì bà cụ đã quét dọn sạch sẽ, nhân tiện lấy số lá mục và bùn ẩm đó đắp vào mấy gốc trà của mình. Không ngờ đám lá trà thâm niên đó có một đặc tính kỳ diệu, chỉ vài ngày sau, các gốc trà đột nhiên sinh đợt mới, hương vị lạ lùng. Bà cụ không dấu một mình mà chia cành, chia hạt cho dân quanh vùng để cùng trồng một loại trà tuyệt diệu. Thế là từ đó cả vùng cùng vang danh có loại trà tuyệt phẩm". 
Ban Biên Tập TVHS

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

III. ÐẠI LỤC LEMURIA



Trong buổi sơ khai của nền văn minh trên đại lục Lemuria, những loại cây có nhiều đời sống không khó nhọc. Sau vì nhân số gia tăng, những người thái-cổ phải cố gắng để có thêm thực phẩm. Trước còn là đời sống vô định, nay đây mai đó, về sau họ phải gom hạt giống để trồng loại cây có nhân như hạt dẻ. Nông nghiệp bắt đầu từ đó, và là một bước tiến phi thường, cũng như ngày nay bay lên mặt trăng.
Nhiều dân Lemuria làm nghề đánh cá và tỏ ra có tài trên mặt biển. Thoạt đầu, họ ở những vùng bờ biển, rồi sau di chuyển vào nội địa. Họ nuôi cừu (trừu) và gia súc mà họ coi như là anh em, nhưng khi dân số càng đông thì họ giết để ăn thịt. Tuy rằng đa số cao lớn hơn người ngày nay rất nhiều, nhưng trong thời kỳ thí nghiệm ấy, cũng có những người nhỏ bé hơn người lùn bây giờ. Tất cả những người ấy đều ưa thích hát và nhảy múa theo nhịp sáo và nhịp trống.
Những người Lemuria đầu tiên có đời sống tâm linh cao. Họ hòa nhịp với Thượng-Ðế, nghĩa là hiểu những gì Thượng-Ðế truyền dạy bằng cách truyền tư tưởng. Dần dần họ bị ràng buộc vào trái đất, khiến thân hình nặng nề hơn, và con mắt thứ ba, là mắt sáng suốt hiểu biết mọi sự, bắt đầu lu mờ. Một số sống thanh đạm, ăn dè dặt, và luôn luôn tưởng niệm đến Tạo-Hóa, nên vẫn có thể thông cảm với Thượng-Ðế. Họ không dự vào những thú vui của người trần tục để giữ cho tâm linh họ gần với Thượng-Ðế. Họ dạy bảo dân chúng những điều trong sạch, ngay thẳng, nên được dân chúng kính nể và chia sẻ hoa lợi mùa màng với họ. Từ đấy phát sinh giới thầy tu đầu tiên.
Những người cao siêu ấy còn giữ được khả năng phân tán nguyên tử và di chuyển những tản đá lớn. Ðến đây, tác giả hỏi đến nguyên lai những đầu khổng lồ trên cù lao Easter. Dẫn-đạo-sư nói: Ðó là những tản đá rất lớn đánh dấu nơi công trường vĩ đại mà dân từ khắp nơi trên đại lục Lemuria kéo đến tụ họp trong những cuộc đại lễ. Những đầu to lớn ấy với những nét mặt khác nhau tượng trưng các vị thần, mỗi vị ngự trị trên một phạm vi riêng biệt và hướng về một phương trời. Những đầu ấy được dựng lên trong thời sơ khai, khi con người chưa bị ràng buộc vào sức thu hút của từ lực, và như thế được tạo lên dễ dàng.
Dẫn-đạo-sư kể lại một sự tích về những khối đá khổng lồ ấy. Trong thời kỳ giới thầy tu được nhiều uy tín, có những kẻ ghen ghét muốn làm giảm uy tín ấy. Họ thách đố những thầy tu trong ngôi đền tại vị trí hiện nay của cù-lao Easter: Ai có thể di chuyển một cái đầu khổng từ nơi này qua nơi kia thì sẽ được nhận đồ dâng cúng và được quyền ưu đãi hơn người khác. Những kẻ thách đố xảo quyệt ấy đã biết cách di chuyển những vật to lớn bằng một phương pháp huy động tinh thần gần như thôi miên, góp sức nhiều người cùng nhau tác động. Một số đông tụ họp lại, và đến giờ đã định họ đều bước tới, niệm câu thần chú, và cùng nhau ghé vai vào dưới cằm một cái đầu bằng đá, nâng bổng lên được vài phân, nhưng rồi kiệt lực đều té cả xuống. Ðến lượt các thầy tu, họ dùng khả năng phân tán nguyên tử, cùng nhau hát lên, ngước mắt nhìn trời, cử động bàn tay ( Có lẽ là hộ thần là bất quyết), tức thì đầu đá khổng lồ biến mất. Tất cả đám đông hoảng hốt kêu lên: "Trả lại đầu đá cho chúng tôi." - Xin vâng, thầy tu vừa nói xong, đầu đá hiện ra trên một ngọn đồi khác. Những kẻ thách đố xấu hổ, và từ đấy uy tín các thầy tu càng cao.
Thời bấy giờ có những linh hồn từ các hành tinh khác đến thăm. Mặc dù họ mang hình thể khác hẳn trên hành tinh của họ, nhưng họ có thể biến thành hình người thái-cổ khi họ đến trái đất. Vì những thân hình của họ nhẹ gần như bóng sáng, cũng như Amelius và những người thái-cổ đầu tiên, nên họ có thể đi về trong thời gian ý nghĩ phóng ra. Dẫn-đạo-sư giải thích rằng vì họ có khả năng phân tán và kết hợp nguyên tử, nên họ thoát ra ngoài ảnh hưởng từ lực của trái đất, họ nhẹ hơn không khí, tùy ý muốn biến hiện chính thân mình hoặc những tản đá lớn lúc nào cũng được, đến nơi nào cũng được. Những kim-tự-tháp Ai-Cập và các di tích khổng lồ khác đã được tạo dựng lên bằng phương pháp ấy.
Ðại lục Atlantis là một nơi thiên đường không nóng không lạnh, dân chúng thuộc giống người da đỏ, và cũng có những bán nhân thân hình thô kệnh, là dòng dõi của những người đã phối hợp với cầm thú. Không như người Lemuria chịu khó dạy dỗ và nâng cao những kẻ dị hình ấy, người Atlantis đối đãi với họ như những con vật để khuân vác nặng nề và làm những việc ti tiện.
Văn minh trên lục địa Lemuria lên đến cực điểm. Nền giáo dục rất cao, những người trưởng thành có trình độ ngang với tiến sĩ ngày nay, nhiều người còn tiến xa hơn về cảm giác và ý thức. Chính quyền rất dịu dàng, hòa hoãn, hàng ngày ít việc làm vì không có tội ác, không có thù hận. Nếu ai có điều bất hòa nhất thời với một người khác, thì người trọng tài giải thích rõ ràng quan điểm của đôi bên. Không người nào bị giam vào tù ngục, vì người ấy có thể thoát ra khỏi tức thì, bởi lẽ ai cũng có thể chuyển ý thành sự thực. Hình phạt về một hành động sai lầm chỉ là lời khuyên nhủ khiến họ hiểu tính chất của điều lầm lỗi và tránh không tái phạm.
Về luật luân hồi nhân quả, dẫn-đạo-sư nói rằng luật ấy đã có từ trước khi linh hồn nhập vào thân xác thịt. Ðó là luật trời, nếu ai làm trái thì phải đền tội. Amelius và những người sinh ra cùng thời đầu đã hiểu luật ấy. Một số vì cám dỗ mà giao hợp với cầm thú đã gây nhân xấu nó theo chúng ra ngoài thân xác cho đến thân sau, khi đời sống đã bị Thượng-Ðế rút ngắn. Khi tái sinh ra thành những Adam, Eve và thân hình khác, họ đã phải cố gắng xoá cái nợ luân hồi ấy bằng cách đối xử tốt với loài vật. Nhưng bấy giờ Satan lợi dụng cơ hội để điều khiển những kẻ làm sai ý muốn của Thượng-Ðế. Vị thần sa ngã ấy quyến rũ những linh hồn xấu xa, càng ngày càng đông bộ hạ, đi ngược lại con đường dự định của Thượng-Ðế, có lúc tưởng chừng như y có quyền năng mạnh hơn cả Thượng-Ðế, nhưng không phải. Thượng-Ðế vẫn toàn năng, vẫn theo dõi kẻ lạc đường nhất thời, và khi một linh hồn biết hối cải và hồi đầu về Cha, tức thì có sự lạ chờ đón y. Do đó mà có luân hồi, là chuyện đáng buồn cho người đời cứ phải trở lại nhiều lần vào cái thân vật chất, nhất quyết rửa sạch vết xấu xa trong tâm thức. Một số linh hồn đã tiến cao đến toàn thiện, đã hoàn tất bánh xe luân hồi, không phải trở lại đời vật chất nữa.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

II. NGƯỜI TRÊN TRÁI ÐẤT



Các nhà siêu-hình-học đều công nhận rằng Ðại-lục Mu, cũng tên là Lemuria, trong quá khứ, là nơi phát nguyên nền văn minh. Ðại lục ấy là một vùng đất đai rộng lớn đi từ bắc California đến nam Peru, bao gồm một phần lớn Thái Bình Dương, mà những đảo Hawaii, Tahiti, Polynesia và Easter là những di tích còn sót lại. Từ miền tây California, bấy giờ thuộc bờ biển của Lemuria sang đến Bắc mỹ, là biển cả, trong đó có vùng Hồ Mặn (Great Salt Lake) tại Utah. Lưu vực sông Mississippi là bờ biển phía tây của lục địa Hoa Kỳ ngày nay. Nhưng khi Lemuria bị chìm xuống và đất nhô lên thành dãy núi Rocky và Appalachian, thì trong một thời gian, sông Mississippi đổ vào những Ðại Hồ (Great Lakes), trước khi một thiên tai khác, một lần nữa, thay đổi địa thế.
Các dẫn-đạo-sư ước rằng người thái-cổ đã có ở trên trái đất từ năm đến bảy triệu năm, sau khi những bán-nhân thô lỗ đã được sinh ra từ nhiều triệu năm trước. Người đầu tiên là Amelius có thân hình nhẹ nhàng, có thể hiện diện tức thì tại bất cứ nơi nào trên trái đất. Amelius và những người sau cũng có thân hình nhẹ như thế, đều có khả năng chuyển ý nghĩ thành sự thật, và di chuyển những vật nặng bằng cách phân tán ra và kết hợp lại những nguyên tử của vật ấy. Chính amelius cũng là một ý nghĩ của Thượng-Ðế chuyển thành sự thật.
Theo dẫn-đạo-sư nhiều người thái-cổ cao trên ba thước rưỡi, và những loài thú, cá, chim, phối hợp với họ để sinh sản ra những con dị hình to lớn, một số những con này có nhiều tài lạ khiến chúng được tôn thờ trong thần thoại Hy-Lạp và La-Mã.
Trong thời Amelius sống trên trái đất với hình thể nhẹ nhàng, con người không bị bám chặt trên mặt đất vì sức hút của từ lực, nên không nặng nề. Amelius là một thư-hùng lưỡng-thể, nghĩa là có đủ âm lực và dương lực, là một người mẫu hoàn toàn, chỉ trừ không thể ăn uống, tiêu hoá và sinh sản, bản năng này chỉ được phú cho người sau này khi đã được phân chia nam nữ. Những người bất tử đầu tiên ấy luôn luôn ở trong tình trạng trẻ trung không già không chết như người vật chất. Họ muốn đến đâu là tức thì đến đó, cũng như hình ảnh ti-vi được thấy tại tất cả mọi nơi nếu có máy thích hợp. Họ ở Atlantis, Lemuria, ở Mỹ Châu, Á châu, ở đâu họ cũng tìm cách an ủi và dạy bảo những kẻ dị hình.
Ðến khi Thượng-Ðế đặt ra luật loại nào sinh sản ra loại ấy, khiến cho không thể trộn lẫn hai loại khác nhau, thì người không còn phối hợp được với thú, chim, cá và sinh sản ra loại dị hình nữa. Từ khi có Adam và Eve đầu tiên đã phân chia nam nữ, sinh sản loài người lan tràn trên mặt đất, và thời kỳ vàng son trên Lemuria lý tưởng quá sức tưởng tượng của người hiện đại, đến nay đã hơn bốn triệu năm.
Những người đầu tiên sinh sản nhanh chóng, vì sự sinh nở tự nhiên không khó khăn, nên có nhiều phụ nữ sinh mấy chục con trong đời họ. Sự hoà nhịp với thiên nhiên được hoàn toàn nên không có tật bệnh, và họ có thể ở trong thân hình rất lâu. Nhưng về sau họ bị ràng buộc vào vật chất, nên thể chất họ trở thành nặng nề hơn và khả năng bảo vệ đời sống giảm dần đi.
Từ khi trái đất dần nguội lạnh, vỏ ngoài co lại thành những nơi lồi lên lõm xuống, những lồi lõm ấy đã thay đổi nhiều lần, khiến nên nơi này đất liền chìm xuống biển, nơi khác đất từ biển nổi lên. Dẫn-đạo-sư nói rằng gần cuối thế kỷ này một thiên tai như thế sẽ xảy ra, nhiều lục địa sẽ biến thành biển cả và biển cả trở thành lục địa, nơi băng giá sẽ nóng bức và vùng nhiệt đới sẽ đông lạnh. Một số nhà địa-chất-học cũng công nhận rằng trái đất đã thay đổi trục nhiều lần trong qúa khứ, bằng chứng là thấy có vết tích cây cối, động vật và khủng long dưới những lớp băng đá dày tại nam bắc cực. Bác-sĩ Frank Hibben ước tới bốn mươi triệu thú vật đã bị chết cứng đột ngột trong lần đổi trục cuối cùng trước đây.
Dẫn-đạo-sư khuyên những ai lo sợ thảm họa ấy hãy nhớ rằng đời sống vật chất chỉ là đời sống mỏng manh. Mục đích của chúng ta là thực hiện sự toàn thiện, để cho không phải trở lại đời vật chất nữa. Càng bám vào của cải trần gian thì càng cản trở bước tiến của tâm linh. Trong đời sống tâm linh, của cải không có nghĩa gì, vì mọi vật đều do ý nghĩ sinh ra, muốn gì có nấy tức thì. Những ai lo sợ hủy diệt vật chất, nên biết rằng thân xác tuy mất, nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại đời đời.
Lý do duy nhất năm giống người khác nhau được tạo lên là để giúp cho con người thích nghi với khí hậu. Màu da của người da đen cần để che thân dưới mặt trời gay gắt miền nhiệt đới, và cũng để dễ dàng ẩn náu trong rừng rậm âm u của Phi-Châu. Người da trắng ở nơi giá lạnh mùa đông tuyết phủ, cần ít mầu sắc để che thân dưới ánh mặt trời xiên nghiêng. Mầu nâu được dành cho những người ở vùng bán-nhiệt-đới Thái Bình Dương nhiều gió bão. Màu đỏ để hoà đồng với đất đỏ châu Atlantis và châu Mỹ. Sau cùng mầu vàng cho người phương đông hợp với đất vàng và mặt trời ít gắt. Mỗi giống có một thủy tổ Adam hay muốn gọi tên gì cũng được, và một Eve tượng trưng cho sự tạo thành con người hoàn toàn có bộ phận loài vật.
Dẫn-đạo-sư đồng ý với Edgar Cayee rằng Amelius tái sinh là Adam và Eve, cả hai đều tái sinh nhiều triệu năm sau là Jesus và Mary. Về điểm dẫn-đạo-sư ước từ năm đến bảy triệu năm từ khi có người thái-cổ trên trái đất, tác giả vẫn còn thắc mắc cho đến ngày 31-10-1975 được đọc một bài báo Associated Press như sau: "Các nhà bác học đã tuyên bố hôm qua rằng xương người cổ xưa nhất đã được tìm thấy tại một lòng sông khô cạn miền đông Phi Châu. Những răng và xương hàm đã hóa thạch của 11 người đã được ước lượng chính xác bằng kỹ thuật phóng xạ, có từ 3.350.000 đến 3.750.000 năm. Ðây là di tích cổ xưa nhất thế giới.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Thế Giới Khi Xưa (THE WORLD BEFORE)



Tác giả: Ruth Montgomery Coward, Mc Cann Geoghegan, Inc. 200 Madison Ave, New York, NY. 10016
LỜI NÓI ÐẦU
Tác-giả là một phóng viên báo chí, vốn không tin những sự huyền bí. Nhưng trong nhiều năm, bà đã được chứng kiến nhiều sự kỳ lạ xảy đến cho những người thân và bạn bè, báo trước những việc sắp tới, hoặc báo tin đúng lúc việc xảy ra tại nơi khác rất xa, có khi phải vài ngày sau mới được tin theo lối thông thường. Bà cũng đã tiếp xúc với nhiều con đồng (medium), dự nhiều phiên gọi hồn và viết tự động mà ta gọi là cầu cơ. Con đồng là người có khả năng tiếp xúc với người sống qua miệng hoặc tay của họ. Chính tác-giả cũng có khả năng đánh máy tự động, là để cho một linh hồn mượn tay của mình đánh máy ra những điều muốn nói.
Bà là một trong nhiều nhà học giả khảo cứu về thế giới vô hình. Nhờ những điều hỏi được các linh hồn, bà đã viết ra một số sách, như: A Search for the Truth (Tìm Sự Thật), A Gift of Prophecy: Jeane Dixon (Nhà Tiên Tri Jeane Dixon), Here and Hereafter (Ðây và Sau Ðây), A World Beyond (Thế Giới Bên Kia) và cuốn này.
Cuốn Thế Giới Khi Xưa này cũng được viết ra bằng những tài liệu do những linh hồn cao siêu mà tác giả gọi là Dẫn-đạo-sư (spirit guides) đã đánh máy ra qua bàn tay của bà. Dẫn-đạo-sư kể lại sự tích từ khi khai thiên lập địa, nghĩa là từ khi trái đất mới thành hình, rồi bắt đầu có loài người, những sự phấn đấu của những người thái cổ (homo-sapiens) với thiên nhiên và với những giống vật khổng lồ đời tiền sử.
Khi Dẫn-đạo-sư nói đến những điều khó tin như cây cối rậm rạp vùng nhiệt đới tại nơi ngày nay băng giá quanh năm, tác giả đã tham khảo và tìm thấy những tài liệu khoa học trong tập Bách-Khoa Toàn Thư Encyclopedia Britannica) và vài cuốn khác, nói đến những vết tích cây cối và động vật bị chết cứng đột ngột dưới lớp băng đá rất dày trong những trận thiên tai đời thượng cổ. Khi Dẫn-đạo-sư nói đến lục địa trên vùng đại dương ngày nay, hoặc nói đến biển cả ở nơi đất liền hiện tại, tác giả cũng tìm được tài liệu khoa học chứng minh sự biến đổi đó.
Dẫn-đạo-sư nói rằng loài người bắt đầu sinh ra trên trái đất cách đây từ 5 đến 7 triệu năm. Người Bắc Kinh (là bộ xương cổ xưa tìm thấy tại vùng Bắc Kinh) được coi là bộ xương người xưa nhất mà các nhà bác học ước đã được 500 ngàn năm. Nhưng khi cuốn sách này sắp được xuất bản (1976) tác giả được biết các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại miền đông Phi Châu, những xương bàn tay người ba triệu năm trước và xương sọ người một triệu rưỡi năm trước. Bác-sĩ Donald Johnson nói rằng sự xem xét hơn ba chục xương bàn tay và cổ tay rải rác trên một sườn đồi cho thấy rằng bàn tay có thể cử động như bàn tay người thời nay, chứ không như bàn tay của hai loài đười-ươi (gorilla và chimpanzee) là loài khỉ gần giống người hơn cả, hai loài này vẫn phải chống tay xuống đất để đi. Ðiều nhận xét này loại bỏ thuyết của khoa học cho rằng người và khỉ cùng chung một thủy tổ.
Bác sĩ Duane Gish cũng tìm thấy tại một lòng sông vùng Texas có vết chân người in vào đá gần vết chân khủng long.(có lẽ xưa là đất, lâu ngày đất ấy trở thành đá).  [Khủng long (dinosaur) là một loài vật khổng lồ thời tiền sử, thuộc loài thằn lằn, có khi dài đến 30 thước (100 ft) cao hơn 5 thước (18 ft), thường chân sau rất lớn, chân trước rất nhỏ, đuôi lớn và dài, cổ ngắn đầu to, hoặc cổ dài đầu nhỏ.]
Ðiều này chứng tỏ loài người đã có sớm hơn là người ta tưởng, vì các khoa học gia vẫn cho rằng khủng long đã tuyệt chủng nhiều ngàn năm trước khi có người. Những người thái-cổ đã phải phấn đấu kinh khủng với những vật khổng lồ trong nhiều triệu năm sống chung với chúng.
Trong cuốn này, các dẫn-đạo-sư nói đến ba thiên tai, một trong đó là nạn trái đất đổi trục đã khiến cho vùng đại-lục Lemuria chìm xuống dưới Thái Bình Dương, đồng thời loài khủng long bị tuyệt chủng. Tác giả nghi ngờ rằng sao trái đất còn tồn tại được qua một tai nạn lớn lao nhường ấy, nhưng sau được biết các khoa-học-gia hiện đại đã nói Bắc-cực và Nam-cực đã có nhiều lần thay đổi vị trí trong thời gian ngàn triệu năm qua.
Dẫn-đạo-sư cũng đồng ý với Edgar Cayee {Edgar Cayee là một người Mỹ, làm nghề chụp hình, nhưng có khả năng tự thôi miên. Khi ông thức tỉnh chỉ là một người thường, không hiểu biết gì hơn người khác, nhưng khi ngủ thôi miên, ông rất sáng suốt, có thể:
- Nói rõ nguyên nhân bí hiểm bệnh tật của một bệnh nhân và cách chữa, trong khi các bác sĩ đều chịu bó tay.
- Nói ra những hành vi qúa khứ của một người trong những đời trước, đã đưa đến hậu quả là những khổ nạn mà người ấy phải chịu ngày nay.
- Nói về những biến cố lớn trong quá khứ và tương lai.
Ông đã qua đời vào khoảng 1945, thọ hơn 70 tuổi. Ông còn để lại hơn 30 ngàn hồ sơ về các buổi thôi miên của ông.} rằng gần cuối thế kỷ này sẽ có một lần trái đất đổi trục nữa, nhưng lần này có điều đáng mừng hơn là đáng sợ, vì tai nạn ấy sẽ đem lại một nền hòa bình, bởi lẽ nhân loại sẽ có quá nhiều vấn đề kiến thiết phải lo, không còn đầu óc nghĩ tới tham vọng đất đai của kẻ khác. 

I. THUỞ SƠ KHAI

Trong Thánh-Kinh (Bible) có câu: "Thuở sơ khai, Thượng-Ðế tạo ra Trời và Ðất". Nhưng thế giới từ đâu mà có, và trước đó là gì? Dẫn-đạo-sư nói rằng: Trước đó chỉ là sự trống rỗng sâu thẳm quá sức hiểu biết của con người. Không có hỗn mang, không có tiếng động, không có yên tĩnh, không có gì cả. Thế nhưng cái Mãnh-lực mà ta gọi là Thượng-Ðế vẫn có luôn luôn ở đó, vì khôngcó Thượng-Ðế thì không có vật gì, không có động lực, cũng không có cả cái không có.
Hỏi: cái Mãnh-lực ấy từ đâu ra? Dẫn-đạo-sư thành thật nói: Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi ấy, vì lẽ trước khi phát sinh ra linh hồn con người thì chưa có cuốn sổ thiên nhiên (Cuốn sổ nầy theo như tôi hiểu, là cuốn sổ vô hình, mà ta thường gọi là sổ Thiên Tào, ghi chép tất cả các việc ở thế gian không thiếu xót việc gì. Các nhà Tiên tri là những người có thần nhãn có thể xem thấy cuốn sổ ấy và biết được những việc quá khứ vị lai. Cũng thế, tất cả hành động của một người từ bao nhiêu đời trước đều được ghi vào trong tâm thức, mà kinh Duy thức gọi là A-lại da thức hoặc thức thứ tám, thức ấy bất diệt và mang theo kho tàng phúc tội từ đời nầy sang đời khác theo luật luân hồi nhân quả.)
Cho đến khi Thượng-Ðế đặt những hành tinh vào quỹ-đạo, tạo nên tác động và sự hòa nhịp, thì linh hồn chúng ta chỉ là những phần tử của Toàn Thể, không có sự linh hoạt và hiểu biết. Nhưng Mãnh-lực ấy vẫn có đó, Thượng-Ðế vẫn có đó, vẫn có ở đó cái trí thông minh hoàn toàn khôn khéo, ngoài tầm hiểu biết của tâm trí con người.
Cái Mãnh-lực ấy bắt đầu tác động, và những ý nghĩ nẩy sinh ra trong Ðại-Thể ấy, để rồi trở thành sự thực. Từ những nguyên tử hợp thành mảnh li-ti, rồi những mảnh li-ti cuốn vào nhau quay theo chiều hướng nhất định, dần dần đến những khối lớn trở thành hành tinh xoay quanh những mặt trời do từ lực hút dẫn.
Vài hành tinh dần dần khô cứng vỏ ngoài, sinh vật vi-tế hiện ra, trước còn đơn giản như những tế bào, sau phức tạp hơn như trứng, tinh trùng và bào thai. Từ Mãnh-lực ấy, gọi là Thượng-Ðế, bắn ra hàng triệu triệu tàn lửa, mỗi tàn lửa là một linh hồn bao quanh Ðại-Thể, mỗi linh hồn được tự do đi theo ý muốn của mình. Theo các Dẫn-đạo-sư, tất cả chúng ta được tạo nên cùng một lúc trong lần bùng nổ tàn lửa đầu tiên ấy, sau đó không có tạo ra linh hồn nào nữa, và cho tới nay có nhiều linh hồn còn chưa bước vào đời vật chất.
Lúc phôi thai, các linh hồn là những tàn lửa nhỏ do Thượng-Ðế phóng ra, cũng như những đứa trẻ chập chững đi bên cạnh cha, đều ngây thơ như nhau. Rồi sau có một số lang thang ra ngoài đường chính như những đứa trẻ mất nết, muốn thử sức mình mà không theo khuôn khổ của Thượng-Ðế. Nhân đó, những tính xấu như ghen ghét, tham vọng, phát sinh và càng ngày càng tăng trưởng.
Nói đến sự cấu tạo lên vũ-trụ, dẫn-đạo-sư viết: Có nhiều chuyển biến trong thời gian trái đất dần dần đặc cứng. Ðầu tiên là khí, rồi đến nước, rồi đến đất, đến cỏ cây, đến sinh vật, rồi những linh hồn nhập vào sinh vật hưởng thú ăn, ngủ, sinh sản, rồi bị ràng buộc vào thân hình vật chất.
Rồi Mãnh-lực mà ta gọi là Thượng-Ðế lại sinh ra một loại sinh vật trình độ cao hơn, có bàn tay, bàn chân, và xương đứng thẳng, với khối óc lớn hơn, có thể phân biệt thiện ác, và có thể điều khiển thú vật, chim cá, nhờ thông minh hơn. Mới đầu mọi sự đều tốt đẹp, sau vì họ được tự do làm theo ý muốn, những sinh vật ấy phối hợp với những linh hồn đã nhập vào thân súc vật, mà sinh sản ra những loại bán-nhân dị-hình, như người có móng chân ngựa, có đuôi, sừng, vây cá, lông chim. Ðó là các hậu quả thương tâm của sự cố ý bất tuân lệnh Thượng-Ðế. Những bán-nhân ấy xưa kia nhan-nhản trên trái đất, nay còn nhớ lại là những thân hình chân ngựa mình người (contaur), thần dê (salyr), người đuôi cá (mermaid). Một số đã được tạc hình trong các ngôi mộ cổ Ai-Cập, những thân hình người có sừng, có móng vuốt, có cánh, hoặc bộ phận bất thường khác. Ngay cả đến tượng thần Sphinx tại Ai-Cập, là một trong những kỳ quan thế-giới, cũng được tạc với mặt người, thân sư tử và có cánh. Những thân hình ấy, không nên coi là chuyện thần thoại, mà là có thực, do lỗi lầm nguyên thủy là sự phối hợp với loài vật.
Tại sao những người đầu tiên ấy lại phối hợp với thú vật, cá và chim? Dẫn-đạo-sư nói: Thoạt kỳ thủy, mỗi linh hồn là một thư-hùng lưỡng-thể, có đủ cả âm-lực và dương-lực, cũng như Thượng-Ðế. Một linh hồn có thể tự ý muốn ở trong một xác thân bao lâu cũng được, hàng ngàn năm, vì thế không cần sinh sản. Nhưng sau có những linh hồn bị ràng buộc vào thân xác thịt và phối hợp với loài vật, nên cần phải đặt ra một hệ-thống để cho con người có thể sinh sản riêng giống người và thỏa mãn nhu cầu phối hợp. Nhân đấy, một linh hồn nhập vào thân xác thịt được chia làm hai, tức là hai nửa, và chỉ khi nào hết đời vật chất trở về cõi tâm linh, hai phần mới lại nhập một. Linh hồn đầu tiên nhập vào thân hình người là Amelius, là một cá thể hoàn toàn. Nhưng đến khi Amelius trở lại thì thành ra hai phần Adam và Eve.
Tác giả nhắc lại lời Edgar Cayee cũng nói đến tên Amilius, hai chữ khác nhau về chính tả, vì Edgar Cayee chỉ "nói" lên trong lúc thôi-miên, còn dẫn-đạo-sư đã đánh thành chữ nên chính xác hơn.
Tập quán thông thường coi đàn bà ở địa vị thấp hơn đàn ông. Thực ra việc sinh con đẻ cái cực kỳ quan trọng. Vả chăng mỗi chúng ta khi trở lại trái đất, lấy thân hình hoặc nam hoặc nữ, vậy vinh dự không dành riêng cho phái nào. Ngay chính Thượng-Ðế là một cá thể hoàn toàn, chẳng phải nam, chẳng phải nữ; chúng ta gọi là Cha, chỉ là theo tập quán thông thường.
Sự sinh ra những người đầu tiên là một biến chuyển cực kỳ quan trọng, không những vì trình độ trí khôn và thân hình con người cao hơn tất cả các sinh vật khác, mà còn vì chính một phần tâm linh của Thượng-Ðế ở trong đó, khiến con người, với sự tự do làm theo ý muốn, có thể đạt đến quyết định sau khi suy luận, điều này hoàn toàn không có trong loại vật. Y được chọn con đường y đi, được thương yêu và được thù hận, vì y là một phần của Thượng-Ðế, nên y có thể tạo ra ý nghĩ rồi đem ý nghĩ đến chỗ thực hiện. Như vậy, con người trở lên một cá tính, nhưng vẫn là một phần của Toàn Thể Vĩ Ðại, vậy thì ghét bỏ hay khinh khi một người khác tức là thù hận chính mình và cả Tạo Vật. Mỗi chúng ta là một phần của Toàn Thể Nguyên Thủy, và bị tách ra cho đến ngày chúng ta được hợp trở lại với Thượng-Ðế.
Những lời Dẫn-đạo-sư nói cũng tương tự lời của Edgar Cayee và những nhà siêu-hình-học khác, vì lẽ tất cả sự việc đều ghi vào sổ thiên nhiên, và những tâm linh sáng suốt được đọc sổ ấy, đều được nói lên sự thật như nhau. Edgar Cayee cũng nói rằng Amelius là thiên thần đầu tiên nhập vào thân hình người, và một số linh hồn đã làm trái ý muốn của Thượng-Ðế mà phối hợp với cầm thú, khiến cho những quái vật được sinh ra. Sự kiện này đã tiếp diễn trong nhiều ngàn năm.
Nhưng từ khi linh hồn người được phân chia ra nam nữ để sinh sản ra cùng giống, Thượng-Ðế đặt ra luật khiến cho loài người không thể sinh ra con cái khi phối hợp với loài khác. Năm giống người được vào trái đất cùng một lúc, mỗi giống có một mầu da riêng biệt để thích hợp với ánh nắng mặt trời và hoà đồng với hoàn cảnh (Từ trước tôi không khỏi thắc mắc, sau khi đọc truyện Adam và Eve, rằng ai là thủy tổ của loài người. Theo kinh Thánh (Bible), Ðức chúa trời (God) đã tạo ra trời đất cỏ cây động vật và sau cùng là người trong sáu ngày. Người đầu tiên Adam và Eve sinh ra tại vườn Eden ở trong khu vực Assyria-Euphrates, tức là vùng tây Á châu từ Ðịa trung hải đến vịnh Ba tư. Ðến khi cháu Adam đời thứ 20 là Abram (sau đổi là Abraham) vì nạn đói phải đi sang Ai Cập, và cháu Adam đời thứ 23 là Joseph bị các anh bán sang Ai Cập, thì thấy rằng người Ai Cập không phải là dòng-dõi Adam. Theo tập Exodus là Jehovah (chương 6) "là Ðức Chúa Trời của người Do Thái" (The Lord of the Hebrews, chương 3), vậy Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh chỉ sinh ra người Do Thái, chứ không sinh ra người Ai Cập. Ngoài ra, còn người Á châu da vàng, người Âu châu da trắng, người Phi châu da đen, người Mỹ châu da đỏ, ai đã sinh ra? Nay đọc cuốn sách nầy, dẵn đạo sư nói có năm giống người được sinh ra tại năm nơi với màu da khác nhau, như thế có lý hơn.)
Từ đấy mặt địa cầu càng ngày càng đông người ở. Những tâm linh ở trong thân hình người ấy có thể giao tiếp với nhau bằng ý nghĩ, và cũng có thể tự ý thoát ra khỏi từ lực của trái đất, để tạo lên những vật rất to lớn và di chuyển vật ấy từ nơi này đến nơi khác. Thực ra họ có thể phân tán ra và kết hợp lại những nguyên tử, nên với phương pháp giản dị này, ta thấy có những đầu khổng lồ trên Cù-lao Easter (Easter Island) (Easter Island là một cù lao trên Thái Bình Dương thuộc Chi Lị (Chile)), kim-tự-tháp lớn tại Ai-Cập, và nhiều di tích khác của một nền văn minh cao hơn ngày nay rất nhiều.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Thế giới bên kia (phần 3)


Khi chúng ta tham thiền là chúng ta được gần Thượng-Ðế, chúng ta gặp Thượng-Ðế ở trong chúng ta. Càng thiền được nhiều trong cõi hữu hình, thì càng tiến nhanh trong cõi vô hình. Nên nhớ là khi tham thiền, bắt đầu phải thở cho sâu, để tống r a những hơi độc tích tụ trong thân hình. Ðọc một câu chú, rồi nghĩ rằng mình hòa đồng với Vũ-trụ. Hãy tự coi mình là một phần của tạo Vật, của tinh hoa Thượng-Ðế, hãy quên cá tính mình đi, tưởng tượng như mình với Vũ-trụ chỉ là một. Sau một thời gian, sẽ cảm thấy mình nhẹ bỗng, tựa hồ như một tâm linh bay vơ-vẫn trong một bầu trời xa lạ. Hãy thí nghiệm, luôn luôn giữ ý nghĩ hợp nhất hoàn toàn, chẳng bao lâu sẽ cảm thấy hòa đồng với Tạo Vật. Rồi tiến sâu hơn, hãy để cho tâm linh Thượng Ðế tràn ngập vào tâm khảm mình. Hãy dành ra ít nhất 15 hay 20 phút mỗi ngày giữ yên lặng như thế. Hãy đón nhận lời của Thượng Ðế.
Cầu nguyện khác hẳn với tham thiền. Cầu nguyện là tác động, không phải thụ động như tham thiền, mong cảm đến trái tim của Thượng-Ðế. Nghĩ điều thiện thì Thượng Ðế ở kề bên. Hãy cầu nguyện cho một mục tiêu tốt đẹp, không phải cho lợi riêng m ình. Nên nhớ rằng cầu nguyện để hại người khác, thắng địch thủ, hơn bạn bè là vô ích.
Khi một linh hồn mong đợi gần Tâm của Thượng-Ðế, nó sẽ nâng cao ý nghĩ đến độ cảm thấy mình như bay bổng và đầy khoái lạc. Cảm giác mạnh đến nổi quên cả mình trong thế giới tâm linh, bấy giờ thấy rằng khoái lạc xác thịt không còn có nghĩa g ì nữa. Rồi từ đó sẽ tiến lên, không phải trở lại đời vật chất nữa. Trên tầng cao hơn, ta chỉ còn là tâm thức, không còn nghĩ đến cá tính nữa. Tầng nầy chưa phải là tầng cao nhất, chỉ là một nấc thang trên đường tiến hóa. Chúng ta đi trong ánh sáng, ánh sá ng của Chân-Lý Vũ-trụ. Cũng không ở luôn mãi đó, mà tiến mãi đến toàn thiện.
Ông Ford nói đến một người, lúc sống đã học hỏi, hiểu biết và tham thiền linh hồn thoát xác được sáng suốt ngay. Sau khi chào hỏi bạn bè thân thuộc y tham thiền trong khi rung động của vũ-trụ tràn ngập y với cảm giác sung sướng lạ lùng. Y tìm ngay những hồn mới đến, lạc lõng hoặc mê man để giúp đỡ. Y không mất một giây phút thương tiếc cho cái thân xác đã mất, y biết rằng sẽ gặp lại người thân trong cõi-vô-hình, y đã để lại mọi việc tốt đẹp trên đời, nay y tiếp tục tiến hóa. Có nhiều người được như thế, không phải ai nấy đều biết rõ những gì chờ đón họ, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận mọi điều Thượng Ðế ban cho, và rất vui mừng rằng vẫn được tiếp tục hoạt động với nhiều việc để làm.
Người nầy sẽ tiến rất nhanh, sẽ sớm có dịp trở lại thân hình khác, hoặc tiến lên tầng cao hơn. Nếu muốn tiến lên, thì phải học các thầy tiến hóa. Các thầy sẽ dạy cách thay đổi tần số rung động để dần dần hòa nhịp với với rung động ở tầng trên. Khi tần số rung động của họ đã cao và lên được tầng trên, thì chúng tôi sẽ không thấy họ nữa, mặc dù họ vẫn ở đây, họ vẫn thấy chúng tôi, đại-khái cũng như người trần không thấy chúng tôi mà chúng tôi vẫn thấy người trần. Nhưng nếu họ muốn thì họ vẫn có thể hạ thấp rung động để cho chúng tôi thấy. Trong đoạn sau, ông Ford sẽ nói đến những tầng trên rõ ràng hơn.
Ông Ford trước kia đã được lên tầng trên, nhưng tự ý muốn trở lại thế gian để thực hành những điều đã học hỏi. Vì thế khi ông là mục sư ở trong trại lính, ông đã trông thấy danh sách những người chết đêm trước khi ông mới ngủ giậy còn ở trong phòng (xem trang 13) vì đã có khả năng nhận tin tức từ khắp nơi.
Trái lại, một người không tin, lúc sống cho rằng chết là hết không còn gì nữa, khi mở mắt ra thấy có nhiều người quanh mình khuyên nhủ và giúp đở, lại cho là ảo-ảnh, là tưởng tượng, không phải thực, nên nhắm mắt lại. Khi mở mắt ra thì không thấy ai nữa, mà thấy mình rơi vào vực thẩm đen tối, ở trong tình trạng rất sợ hãi. Tình trạng nầy thường kéo dài rất lâu, đến khi nào lòng tin trở lại, cầu Thượng Ðế cứu, bấy giờ lại được thấy nhiều người đến giúp đở. Những linh hồn nầy khi tỉnh ngộ rồi thì cố gắng học hỏi, giúp đỡ những hồn khác và sẽ tiến hóa nhanh. Còn những hồn cố chấp không tỉnh ngộ thì cứ ở trong cảnh đen tối hàng ngàn năm.
Kẻ sát nhân cố tình giết hại người khác để thỏa mãn ác ý của mình, thì ở trong tình trạng như chết một thời gian lâu, đến khi tỉnh giậy thấy mình ở trong địa ngục mà chính mình đã tạo nên. Không phải là trông thấy quỷ sứ, nhưng thấy chính mặt y bị biến dạng vì thù hằn, tham lam, ác độc. Y sợ rúm lại tưởng mình bị quỷ nhập. Y thất đảm khi nhận ra rằng không những y đã bỏ phí một đời không tiến, mà còn thụt lùi trở lại nhiều đời nữa mới có thể chuộc được tội y. Bấy giờ y nhớ lại ý muốn của y là vượt qua mọi sự cám dỗ khi y bước vào cuộc đời, khốn nỗi y đã làm trái ngược với ý muốn ấy.
Linh hồn nầy bị đau khổ trong thời gian rất dài. Ðến khi thất vọng cùng cực, y rên xiết cầu Thượng-Ðế cứu. Nếu y thực tâm hối hận, những linh hồn khác sẽ đến giúp y, và dần dần y sẽ tiến lên rất chậm, rất chậm, cho đến khi hiểu biết cái hình phạt vì đã lấy đi một mạng sống do Thượng Ðế ban cho. Như Lee Oswald đã bắn John Kennedy, và Jirhan đã bắn Bobby Kennedy, sẽ còn phải đau khổ lâu lắm trong sự hối hận. Ðến như Hitler thì chẳng khác nào y bị trơ-trọi trên một cù-lao đen tối không nhà cửa , và sẽ không bao giờ rữa sạch được tội ác của y.
Người tự sát trong một giây phút thất vọng, đã lầm tưởng rằng chết là giải quyết được vấn đề, không biết rằng đâu có dễ-dàng giải quyết như thế, và chúng ta không có quyền dập tắt ngọn lửa sống mà Thượng Ðế đã thắp sáng lên. Ðược mang cái thân xác thịt là đặc-ân Thượng Ðế ban cho để trả nợ nghiệp chướng. Nhiều hồn khác còn phải chờ đợi để được trở lại làm người, nay ta đã được rồi lại hủy bỏ cái đặc-ân ấy, thì nghiệp chướng sẽ tăng lên gấp mười, và phải chờ đợi rất lâu mới lại được đầu thai.
Những nạn nhân bị sát hại không mang mối hận thù kẻ đã hại mình. Ở trong cõi vô hình mà còn hận thù thì sẽ bị thoái hóa rất nhiều, có khi hàng vạn năm. Họ hiểu rằng như thế là họ đã trả được nghiệp chướng, trả được tội lỗi quá khứ, và sẵn sàng tha thứ.
Ông Ford nhắc lại rằng không có tòa án xử tội, ngoại trừ chính lương tâm chúng ta, lương tâm ấy lại chính là Thượng Ðế. Khi tấm màng che mắt ta không còn nữa, thì ta thấy rõ đâu là trái đâu là phải. Ta rất vui mừng khi nhận thấy rằng những việc giúp đở nhỏ mọn, một lá thơ hay một nụ cười an-ủi, những việc mà ta đã quên, lại giúp ích cho ta tiến hóa nhiều hơn. Trái lại những hành động mà ta tin rằng có lợi cho ta lại làm cho ta chậm tiến, vì ta đã làm một cách rầm-rộ, khoa trương, để được hãnh diện, được khen ngợi. Hãy giúp người chỉ vì người ta cần giúp, tùy theo khả năng của mình, xong rồi quên đi đừng mong cảm ơn và báo đáp, cũng không cần ai biết cả. Hãy coi mình như một cái giếng, lúc nào cũng tràn đầy tình thương.
Chỉ có thể chữa bỏ những thói hư tật xấu ở trong đời hữu hình. Ở cõi vô hình không làm gì được cả vì không có những cám dỗ. Trường học gian khổ là đời vật chất, có nhiều cám dỗ mà ta phải vượt qua.
Có người lấy làm lạ tại sao có những linh hồn tiến hóa cao luôn luôn giúp đỡ người khác, lại có những linh hồn cục-cằn không hơn thú vật. Sự đó có thật. Lúc mới đầu chúng ta đều như nhau, là những tàn lửa của Thượng Ðế, nhưng trải qua những đời sống trên trái đất, mỗi linh hồn phản ứng với hoàn cảnh một cách khác nhau. Chớ nên mắc vào thói hư tật xấu, luôn luôn giúp đở người khác, nhớ mục tiêu là trở về với Thượng Ðế.
Ðừng mong tiến hóa lấy riêng mình, không thể nào có chuyện ấy. Nếu muốn chạy đua vượt lên trước người khác, thì không bao giờ đến được thượng đỉnh. Bỏ lại người khác là cách tốt nhất để thục lùi, rồi phải bắt đầu trở lại. Cần phải thương yêu lẫn nhau, giúp đở người khác cùng tiến với mình.
Tự ta ghi chép lấy vào cuốn sổ của ta. Không có tòa án, không có quan tòa râu bạc nào, ngoài lương tâm của chính ta, không thể che đậy gì được, không thể trốn chạy đâu được.
Những tầng cao hơn có nghĩa là những trình độ thức-giác cao hơn, chứ không phải là ở tầng lớp cao hơn, vì các giới cùng ở một nơi. Muốn được tiến lên tầng cao, cần nhiều công phu học hỏi, những người ở tầng trên mà muốn xuống tầng dưới thì rất dễ-dàng. Người ở tầng dưới không thấy được người ở tầng trên, nhưng người trên thấy rõ người dưới, đại khái cũng như chúng tôi đối với người ở cõi trần. Không thể lấy lời nói của trần gian để tả trình độ sáng suốt ở mỗi tầng. Ví như một quả bóng thổi phòng bằng khinh khí, khi còn ở dưới đất là còn trông thấy và sờ mó được, nhưng khi đã cắt dây thì quả bóng bay lên, cũng như sợi dây bạc nối hồn với xác, khi chết dây đứt thì hồn lìa khỏi xác. Quả bóng lên cao trên thượng tầng không khí, người dưới đất không trông thấy nữa, nhưng ở trên cao vẫn trông thấy ở dưới. Ðó là thí dụ rất thô sơ, nhưng khó nói rõ hơn, vì tâm chí người ta bị hạn chế, không thể hiểu xa hơn được. Chúng tôi hiện nay ở cõi trung-giới, còn có liên lạc với đời vật chất, những người ở tầng trên đã đoạn tuyệt với trần gian.
Chúng tôi học hỏi ở đây, có thể lựa chọn hoặc trở lại luân hồi, hoặc tiến lên tầng trên. Tầng trên ví như tầng không khí loãng, trong một thời gian không còn liên lạc với những hồn khác và với cõi trần. Chúng tôi như là bay bổng trong một bầu khí quyển mà tần số rung động rất cao. Tạm giải thích như vậy, thật ra không có lời nào tả được. Ở đấy không khí rất mạnh, hay đúng ra là không có không khí, không có gì che đỡ những tia sáng chói lọi. Chúng tôi phải cố gắng chịu đựng ở đó, rồi lại học hỏi để tiến xa hơn nữa.
Rồi sau chúng tôi đi qua từ tinh cầu nầy sang tinh cầu khác. Chúng tôi đi trên mặt tinh cầu như người trần đi trên mặt trái đất, chỉ khác là không còn thân xác thịt nặng nề. Chúng tôi chỉ còn như là ý nghĩ (theo kinh Phật thì có lẽ đây là H ữu-tưởng-giới). Lên trên nữa thì chúng tôi chỉ còn là ánh sáng, tuy nhiên chúng tôi vẫn là chúng tôi, cái ta vẫn còn.
Những tầng trên có thể gọi là tầng thứ ba và tầng thứ bốn, những tầng chỉ khác nhau về tần số rung động. Chúng tôi phải học hỏi để có thể thích hợp được với những làn sóng ánh sáng và tiếng động nó mạnh đến độ có thể làm mù hoặc điếc những người ở cõi trần. Chúng tôi bấy giờ ở trong tình trạng như một chất dịch-thể, tuy nhiên không phải là một chất lỏng. Chúng tôi được đổ vào cái khuôn Vũ-trụ "nói thế cho dễ hiểu" và gần như hợp nhất với Vũ-trụ.
Ðó là tầng thứ ba. Tầng thứ bốn là lên ở những tinh cầu khác như Hỏa-tinh, Thủy-tinh, Mộc-tinh, Kim-tinh, Thổ-tinh..v.v. nhưng không phải là thân vật chất, mà là trình độ giác-thức cao hơn. Trên những tinh cầu đó cũng có hình thể sinh vật, nhưng khác hẳn với hình thể trên trái đất, trình độ tiến hóa các sinh vật ấy cũng khác nhau.
Nếu một linh hồn tội lỗi nhiều kinh khủng đến độ cần phải tới ngàn triệu đời sống mới chuộc được, thì linh hồn ấy sẽ ở trong tình trạng tuyệt vọng nơi trái đất nầy (thí dụ như Hitler). Linh hồn ấy có khi phải nhận lấy một thân hình hoàn toàn khác mà chúng ta ở trái đất không gọi là người, ở trên một tinh cầu khắc khổ bội phần, để có thể đền bù tội lỗi nhanh chóng hơn.
Những tâm linh ở trái đất muốn tiến hóa lên những tầng cao, phải mất nhiều công phu học hỏi nâng cao tần số rung động của mình, để không những lên cao mà còn phóng mình sang tinh cầu khác. Cuộc viễn-du nầy khiến họ học hỏi được nhiều về nhữ ng định luật của Vũ-trụ. Và khi lên đến tầng thứ bốn và thứ năm, thì có thể ở trên nhiều tinh cầu cùng một lúc, vì khi đó với thức-giác cao, hồn có thể phân thân ra nhiều nơi.
Cao hơn hết là tầng thứ sáu, linh hồn đã đạt tới toàn thiện, có thể hợp nhất với Thượng-Ðế. Tất nhiên chúng tôi còn xa quá chưa thể biết được, nhưng được dạy cho biết rằng khi một linh hồn gần đến mức toàn thiện, phải kiểm điểm lại tất cả bao nhiêu đời đã qua, từ đời trước nhất, không còn gì vướng mắt nữa. Chúng tôi chỉ được nghe nói thế thôi, những linh hồn đó không bao giờ quay ngược bánh xe vận mệnh vòng trở lại nữa.
Sáu tầng trên đây có lẽ cũng là những giới nói trong kinh Phật.
Tầng thứ nhất là cõi Dương thế mà chúng ta đương sống, có thân hình vật chất, có dục tính, thường gọi là hạ giới, kinh Phật gọi là Dục giới.
Tầng thứ hai là cõi âm, cõi của những linh hồn mới bước qua bên kia, gọi là trung giới, kinh Phật gọi là Sắc giới.
Tầng thứ ba linh hồn không còn sắc chất, là Vô Sắc giới.
Tầng thứ tư chỉ còn ý nghĩ, là Hữu Tưởng giới.
Tầng thứ năm chỉ còn ánh sáng, là Vô Tưởng giới.
Tầng thứ sáu linh hồn đạt tới toàn thiện, là Phi-Hữu-Tưởng-Phi-Vô-Tưởng-Giới, có lẽ là giới của các vị Giáo chủ: Phật, Chúa ..v.v..
Trên hết là Thượng Ðế, có thể gọi là tầng thứ bảy.
Ðó là lấy trí nhỏ mọn của tôi đoán phỏng như thế.
Sau hết, ông Ford nhắc lại rằng trong cõi trung-giới mà ông đương ở, không có thời gian: Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi tồn tại luôn luôn, vô thủy vô chung. Chúng tôi có thể thấy một khoảng thời gian dài hơn người đời thấy rất nhiều, nhưng vẫn không thể biết được đâu là khởi đầu đâu là tận cùng. Chúng tôi chỉ hiểu biết rộng hơn người trần gian về mục tiêu của Thượng Ðế, nhưng chúng tôi chưa phải là hoàn toàn sáng suốt.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Thế giới bên kia (phần 2)


Chúng ta dang tay chào đón người mới đến với tất cả tình thương. Lúc đầu họ thường ngạc nhiên, nếu trước kia họ không học hỏi và tham thiền. Họ đói họ khác thì chúng tôi cho ăn cho uống tuy đó chỉ là tưởng tượng nhưng họ coi là thật vì vẫn tưởng là còn xác thân. Dần dần quen rồi, họ mới thấy rằng không cần ăn uống nữa. Chúng tôi để mặc họ muốn làm gì tùy ý, nhưng sẵn sàng giúp họ.
Người tự sát tưởng rằng hủy thân đi là hết, không biết rằng hồn vẫn còn, và như thế vấn-đề vẫn còn, lại thêm khó khăn hơn nữa. Trong cõi vô hình không giải quyết được vấn đề trần gian, phải đợi sang đời sau, biết đến bao giờ? Linh hồn rất đau khổ, tức giận cho mình đã phí mất một đời, khiến cho đời sau càng thêm nặng nợ và còn mang cái tội là đã hủy diệt sự sống mà Thượng Ðế đã ban cho, không ai được quyền lấy đi.
Kẻ sát nhân cũng rất đau khổ, không những đau khổ vì không thể trả lại đời sống cho nạn nhân của y nay cùng ở với y, mà còn đau khổ vì đã cản trở nạn nhân trả nghiệp quả riêng của họ. Hai hạng người nầy tự mình bị dày vò cực khổ vô cùng tro ng thời gian rất lâu chờ đợi để được sang đời khác đền bù tội lỗi.
Những người tuy không có tội nặng nhưng rất khó thích nghi, là những người không tin rằng có đời sống vô hình. Người vô tín-ngưỡng từ trước vẫn nghĩ rằng chết rồi là hết, nên không sẵn sàng để đón nhận hoàn cảnh bất ngờ, nay rất ngạc nhiên, tưởng rằng những người và cảnh vật trông thấy quanh y chỉ là ảo ảnh, do y tưởng tượng. Trong lúc sống không tử tế với ai, tự nghĩ không có bổn phận giúp đở ai. Nay y phải ở chung với đám người cũng ích kỷ như y, nhưng thô-lỗ cục-cằn mà y coi là hạ cấp, muốn thoát ra khỏi mà không được, rất là khổ sở.
Người còn tha thiết đến đời vật chất, đến những người thân, đến tiền của công việc còn bỏ lại, thì tâm trí loạn động nhiều, cần một thời gian dài và nhờ những linh hồn khác giúp đỡ, mới dần dần bỏ được sợi dây ràng buộc y với đời sống trên trần. Rồi y phải kiểm điểm những lầm lỗi trước và tìm cơ hội tái sinh để chuộc lại.
Trước khi lựa chọn nơi tái sinh, tâm linh phải tự kiểm điểm xem những món nợ nào cần trả trước và cần có những đức tính nào để tiến. Rồi phải tìm xem hoàn cảnh nào thích hợp với điều kiện của mình. Nếu y muốn học yêu thương, thì phải chọn nơi nào đức tính ấy không có nhiều. Thường y chọn cha mẹ ở những người xưa kia y đã biết hoặc có sự liên lạc về nhân quả. Rồi y chọn phái nam hay nữ để có thể tiến được nhiều hơn. Nếu nhiều linh hồn trình độ ngang nhau muốn đầu thai và cùng một nơi, thì hồn nào thích hợp hơn cả sẽ được lựa chọn, sự lựa chọn nầy có thể ví như máy tính thiên tạo tự động ghi nhận và ấn định tư cách của mỗi linh hồn.
Linh hồn được trúng tuyển bay lơ-lững gần cha mẹ, và khi ngày giờ đã đến, nhập vào bào thai hoặc đúng lúc hoặc ngay trước hay ngay sau khi lâm sản. Những linh hồn bị loại đi tìm nơi khác thích hợp với mình.
Trường hợp đứa trẻ mới sinh ra đã bị tật nguyền, là gì linh hồn đã chọn thân hình bất toàn ấy, thay vì một thân hình đầy đủ, để trả nợ mau chóng hơn. Những chướng ngại trong đời vật chất càng nhiều, thì linh hồn tiến hóa càng nhanh, nhanh hơn là những người có đủ tiện nghi trên đời. Càng tiến nhanh trên phương diện tâm linh, thì càng ít phải trở lại thân xác thịt.
Thường thường linh hồn trước kia thuộc phái nào, nam hay nữ thì lại thác sinh vào phái ấy. Nhưng cũng có khi lựa chọn phái khác để học hỏi, như một người tính vũ phu muốn sinh ra phái nữ để học tính dịu-dàng, một phụ nữ nhút-nhát sinh ra phái nam để học can đảm. Trường hợp một bà bị tê liệt nửa người và run rẩy, chúng tôi nhận thấy rằng trong một tiến thân, người ấy ở thành La-Mã là một tên lính dữ tợn ưa làm cho kẻ khác run sợ; Y đã thả thú dữ ra để cho nạn nhân sợ hãi trước khi bị cắn xé. Nay để đền tội, y phải sinh ra làm một người đàn bà yếu ớt và run rẩy.
Những linh hồn đã tiến hóa đến một trình độ tương đối cao, đều hộp nhau để học hỏi. Không có lể nghi như ở trần gian hộp ngày chúa nhật tán dương Thượng Ðế. Những linh hồn nầy trong đời vật chất đã tiến hóa, đã tham thiền để hòa đồng với Vũ -trụ. Họ đã không uổng phí thời giờ trên mặt đất, nay họ có thể tiến hóa nhanh chóng hơn. Nhờ bước tiến nhanh, những lần phải luân hồi sau nầy sẽ giảm bớt đi. Có ở trình độ nầy mới biết cái cảm giác thích thú và thỏa mãn được tiếp tục học hỏi về tâm linh khi bước sang cõi nầy. Những người không tin và nhạo báng rất đáng thương, họ không bao giờ biết cảm giác khoái lạc ấy.
Những linh hồn đã tiến hóa luôn luôn hoạt động. Một số trong chúng tôi học hỏi để tiếp tục tiến hóa, một số dạy những linh hồn mới đến, một số nữa tham thiền và cầu nguyện mong chuộc tội lỗi đã qua. Ðừng có điên rồ tưởng rằng chúng tôi lìa bỏ xác phàm bước sang thế giới tâm linh là chúng tôi gần thiên đường hơn và tự nhiên được hợp nhất với Thượng Ðế. Muốn đạt tới sự hợp nhất ấy, phải trải qua nhiều triệu triệu năm cố gắng đặc biệt theo luật Thượng Ðế và giúp đở người khác trên đường thăng tiến. Mỗi việc lành ta làm cho người khác mà không cầu báo là một lần làm thêm sáng tỏ và rút ngắn bớt con đường ấy.
Tâm bố thí không giới hạn, không mong báo đáp, là bật thang lên thành quả tâm linh. Ðừng cho tay trái biết việc làm của tay phải. Hãy bố thí trong thầm lặng, đừng nói cho ai biết, nên tìm cái vui thú trong việc làm hơn là trong lời nói. Nếu người đời đã khen, đã ca tụng rồi, thì còn mong gì Thượng Ðế khen thưởng nữa. Ta không mong ai ca ngợi khi ta tự giúp ta, tại sao ta lại mong ca ngợi khi ta giúp người khác, khi người ấy cũng là một phần chúng ta, một phần của Thượng Ðế!
Bên trong mỗi chúng ta đều có trí sáng suốt hiểu rõ chân lý. Chúng ta đều có khả năng tiến tới cái gọi là Thượng Chủng, nghĩa là giống thượng đẳng (super race). Xưa kia chúng ta là một phần của Thượng Chủng, nhưng về sau lòng tham lam, ích kỷ, thù hận và nhiều ý nghĩ tồi tệ khác dần dần thâm nhập vào những người mang thân xác thịt.
Tiềm thức chúng ta chứa chất tất cả mọi điều hiểu biết mà chúng ta thu thập từ khi bắt đầu được cấu tạo. Nó là cái kho tài liệu vĩ đại nhất chưa bao giờ thấy, nhưng trong khi còn mang thân xác thịt thì không thể mở kho ấy bằng cách thường. Qua những giấc mơ và lúc tham thiền, hoặc nhờ thôi miên đúng phép, ta cũng chỉ có thể mở được một phần mà thôi. Nhưng ở đây, trong cõi vô hình, tất cả kho ấy trong đời quá khứ luôn luôn bày ra trước mắt, và nếu tâm linh ta có khả năng hơn, ta có thể thấy được các đời trước nữa.
Có rất nhiều trường dạy tiến hóa tùy theo trình độ của linh hồn. Chúng ta được tạo nên do một phần của Thượng Ðế, có đủ tính chất của Thượng Ðế, vậy muốn hoàn tất cuộc hành trình của chúng ta và trở về với Thượng Ðế, thì phải được thấm nhuần triết lý của Vũ-trụ và hiểu biết luật lệ của Vũ-trụ để được hòa đồng với Tạo-Hóa là cha chúng ta.
Ông Ford nói đến hai phần tự tin là mình hoàn toàn, đã đạt tới đức hạnh bực Thánh.
Một người cho rằng mình đã sẵn-sàng để được vào hàng Thánh, và mong được Thánh Gabried dẫn đến ngay vàng của Thượng Ðế ngay khi bước sang cõi vô hình. Y khoe với mọi người rằng y không hề làm gì lầm lỗi, không bao giờ trộm cắp, lừa dối, tà dâm. Y làm việc trong nhà thờ và dự vào nhiều việc từ thiện, y chắc rằng đời sống nầy là đời cuối cùng trước khi về với Thượng Ðế ở trên trời. Tâm y nhẹ nhàng khi bước qua bên nầy, và tỉnh giậy thấy quanh mình phong cảnh ngoạn mục. Y thấy một đám người áo trắng đi đến tưởng rằng họ đến đón y, nhưng họ đi thẳng. Lại thấy lũ trẻ chơi đùa, y gọi chúng hỏi thánh Gabried ở đâu, chúng nói chúng chẳng gặp thánh thần nào cả. Y tìm đến một ông già râu bạc ngồi trong lều, y hỏi đường đi tìm thánh Gabried, Ông già nói: "con đường nằm ở bên trong"
Y nghĩ là một đường hầm, nhưng tìm không thấy, y lại hỏi: "tại sao không ai chỉ đường cho tôi đến Thượng Ðế? Tôi có việc cần gặp Thượng Ðế, Thượng Ðế ở đâu?".
Ông già lại nói: "hãy nhìn vào bên trong"
Y nhìn quanh trong lều chẳng thấy gì, bực mình nói: "đừng có đùa bỡn, tôi cần đến Thiên đình."
Ông già nói rõ: "Tôi biết , nên tôi đã bảo anh hãy nhìn vào bên trong anh. Ai nấy đều phải tự xét đoán mình trước khi gặp Ðức Sáng Tạo.
- Nhưng tôi không làm gì lầm lỗi cả, đời tôi trong sạch nay tôi sẵn sàng gặp Thượng Ðế.
- Còn tánh tự phụ của anh thì sao? anh lấy làm chắc rằng anh không lầm lỗi?
- Tôi chắc, vì cả đời tôi không làm gì trái cả. Tôi đã cố gắng làm phận sự, và nay tôi chờ được khen thưởng trên trời.
Bấy giờ ông già nắm tay y nói: "con chưa thấy sao con? Con đã nghĩ đến linh hồn con nhiều quá, mà không nghĩ đến làm bớt đau khổ cho những người không bằng con. Con đã bao giờ hy sinh miếng bánh của con cho kẻ ăn mày đói ngồi ở đầu đường chưa? Con có lúc nào bớt thì giờ để nghe những nỗi khó khăn của người dưới quyền con không? Con có bao giờ nghĩ đến làm cho tâm hồn vợ con được thoải mái không? Nay vợ con được sung sướng hơn khi con còn sống, vì không phải bị con bắt phải kính trọng con như một ông thánh. Hãy nhìn xem vợ con đang làm gì."
Lúc ấy y nhìn thấy nhà y ở California. Một người đàn ông ngồi ruỗi dài trên ghế của y. Vợ y trông khỏe mạnh vui vẻ. Người kia nói: "Chúng ta sẽ được hoàn toàn hạnh phúc.
- Phải sau khi mãn tang.
- Sau lâu thế.
- Sợ người ta chê cười. Còn John thì chắc y chẳng để ý gì đến dưới nầy nữa, chắc y đương ở trên trời và tìm đến Thượng Ðế. Thật là khó kinh khủng mà sống với một người tự cho mình là ông thánh."
Bấy giờ y mới nhìn vào nội tâm y và nhận thấy rằng y đã lo tạo cho y trở thành ông thánh nhiều hơn là phụng sự Thượng Ðế và những người chung quanh. Tệ hại hơn nữa là y đã được nhiều lời khen ngợi ở thế gian về việc làm của y, nên không còn gì để đem theo tâm linh nữa. Nay y hiểu rằng chỉ có bố thí và giúp đỡ trong sự yên lặng vô danh mới được thưởng công trên trời, y đau khổ giận cho y rằng đời gương mẫu của y đã không giúp ích cho linh hồn y như đã giúp cho đời vật chất của y. Chi mà khôn g có tình thương, tình thương không vị kỹ, thì những việc làm của y trong xã hội được khen ngợi nhiều, chỉ là những ngày trống rỗng. Nay y đã hiểu bí mật của sự cứu rỗi là bố thí không vị kỷ, đặt quyền lợi người khác trước quyền lợi của mình, yêu thương v à giúp đở lẫn nhau.
Một người đàn bà cũng tin rằng mình có đủ đức tính của một vị thánh và mong đợi được đưa thẳng đến gặp Thượng Ðế. Thị thức giậy ở bên nầy và nhìn quanh tìm cửa bằng ngọc để đi vào tìm thánh Peter. Thị đến một cửa, không đẹp như thị tưởng, đi vào thấy vườn hoa đẹp nhưng không để ý, chỉ chăm chăm đi gặp Thượng Ðế. Trên đường thấy có nhiều người cùng đi, thị vượt lên trước họ đến một nơi cao, chắc rằng trên đó Thượng Ðế đương ngồi chờ thị. Thấy một người cũng leo lên gần thị, nhận ra bà lão ăn mày trước kia vẫn gặp ở đầu đường, thị tỏ ý khinh bỉ, chỗ nầy đâu phải là nơi lão được đến! Thấy một người trẻ tuổi mặt sáng, chắc là một vị thiên thần, thị xin được đưa đến trước Thượng-Ðế. Vị nầy nói: "Nhưng thưa bà, tất cả chúng ta là Tượng-Ðế" Thị bực mình, vì nói như thế là gồm cả lão ăn mày bên cạnh thị. Thị nói: "Ðừng có đùa cợt, ông hãy dẫn tôi đến gặp Thượng Ðế".
Bấy giờ đám đông mà thị đã vượt lên trước đã đến nơi vây quanh thị, thị bực rằng sẽ không được đứng hàng đầu nữa. Người trẻ tuổi nói với tất cả đám đông:
"Quý vị hãy nghe đây, Thượng Ðế ở khắp nơi. Thượng-Ðế là tình thương, quý vị thương yêu nhau và giúp đở nhau là có Thượng-Ðế trong đó".
Thị bực lắm, hỏi rằng: "Thiên Ðình ở đâu?
- Thiên Ðình ở ngay nơi bà đứng."
Nhưng thị nhìn quanh, chẳng thấy Thiên Ðình đâu cả. Dần dần thị mới hiểu ý, Thiên Ðình ở ngay nơi thị, quan tòa là thị. Bấy giờ thị nhìn vào nội tâm, mới thấy rõ sự thật kinh khủng. Trong khi cố gắng một đời sống trong sạch không tội lỗi, thị chỉ nghĩ đến riêng mình, không bao giờ có một lời an ủi cho người kém mình, mà lại còn muốn tránh xa sợ họ làm nhơ bẩn cái áo trắng trong của thị. Ðâu là tình thương người khác? Thượng-Ðế không cần nói, thị cảm thấy câu trả lời trong tâm thị, thị biết cái tâm của thị hơn ai hết, chính thị là quan tòa của thị.
Những người đã chết không phải là bay lơ lửng trên không trung. Họ ở ngay trên mặt đất, không ở đâu khác, vì chỉ có một Vũ-trụ duy nhất. Họ không ngủ trên giường ta, không ngồi trên ghế ta, nhưng họ hoạt động ngay giữa chúng ta. Họ cũng đi cùng đường nhưng không bị cản trở về vật chất, không phải đi vòng quanh những chướng ngại như nhà cửa hay tảng đá. Tuy họ cùng ở với ta, nhưng ta không thấy họ mà họ vẫn thấy ta và biết được cả ý nghĩ của ta

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Thế giới bên kia (Phần 1)


Tác giả: Ruth montgomery Coward, Mc Cann & Geoghegan, Inc, 200 Madison Ave NewYork, N.Y. 10016
Tác giả thuật lại lời của một người từ thế giới bên kia nói lên bằng phương pháp đánh máy tự động. Người ấy tên là Arthur Ford, đã chết ngày 14-1-1971, thọ trên 70 tuổi. Phần lớn đời sống của ông dành cho việc khảo cứu về thế giới vô hình. Ông là một con đồng (medium) nghĩa là người có khả-năng để cho những linh hồn có thể tiếp xúc với người trần qua trung gian của ông. Có rất nhiều người đã biết tiếng ông.
Ông học rộng, đọc nhiều, sáng suốt, nghĩa là có thể nhận biết ngoài giác quan vật chất, có khả-năng nhìn đồ vật mà đoán được sở hữu chủ. Ngay trong khi thức tỉnh, ông có thể nghe người chết nói với ông. Không như nhiều con đồng cần nơi hoàn toàn đen tối, ông có thể lên đồng bất cứ lúc nào, ban ngày hay đèn sáng, chỉ buộc một chiếc khăn thẫm màu bịt ngay mắt, linh hồn người chết sẽ nói qua miệng ông. Khi còn trẻ, ông là mục sư Tin Lành, ông đã có khả năng nhìn thấy được ngoài tầm con mắt, như một buổi sáng trong trại lính. Trước khi thức giậy, ông "trông thấy" tên những người mới chết đêm vừa qua, ông kể cho các bạn hay, họ ra xem bản danh sách thấy đúng, không những đúng tên mà đúng cả thứ tự. Trong nhiều năm sau ông nghiên cứu về Huyền-Bí- Học.
Tác giả cũng có khả-năng nhưng không muốn trở thành con đồng, mà chỉ dùng vào việc đánh máy tự động. Phương pháp nầy cũng như cầu cơ, phụ bút tại Việt Nam, nhưng diễn tả được nhiều hơn, và rõ-ràng nhanh chóng hơn. Những phiên đánh máy tự độ ng để viết ra cuốn nầy, bắt đầu ít ngàysau khi việc hỏa táng thi hài ông Ford hoàn tất, và tro được rãi xuống Ðại-Tây-Dương gần Miami. Những lời trong cuốn nầy là lời của ông Ford mà tác giả thuật lại. Cuốn sách được xuất bản năm 1971 là năm ông Ford chết.
Ðại khái những điểm quan trọng như sau:
- Mỗi người là một thực-thể tồn-tại mãi mãi trong cõi vô cùng, không đầu, không cuối vô thủy vô chung.
- Mỗi người trong chúng ta là một phần của Thượng Ðế, tất cả chúng ta hợp lại là Thượng Ðế.
- Mỗi chúng ta đều thiếu sót nếu không có toàn thể nhân loại, cả người sống và người chết. Tất cả chúng ta hợp lại thành Tâm linh Vũ-trụ, mà ta quen gọi là Thượng Ðế.
- Trong cõi vô hình không có thời gian, chúng ta có thể xóa bỏ thời gian và không gian, vì có thể đến bất cứ nơi nào bất cứ lúc nào theo ý ta muốn, và chúng ta có thể nhìn xa trong cái mà thế gian gọi là tương lai, vì mọi sự đều định trước cả. Nếu người nhân thế hiểu rằng mọi sự được định trước đến mức nào, thì họ sẽ không phải phấn đấu mảnh liệt để tránh tai ương, vì khi đã là tiền định thì khổ tâm có ích gì! Hãy chấp nhận mọi việc xẩy đến, duy phải nhớ cố gắng có một đời sống hữu ích. Chẳ ng nên sợ hãi, vì đó là ý muốn của Thượng Ðế, hoặc là phận sự mà ta đã lựa chọn khi trở lại đời sống vật chất. Giữ tâm thoải mái làm hết sức mình.
- Ði vào cõi chết chẳng khác gì bước qua một cửa mở chào đón, bước ấy nhanh chóng hầu như không cảm thấy. Người thì vui mừng, kẻ thì miển cưỡng, nhưng phải đều nghe theo tiếng gọi của Vũ-trụ đến nơi yên tỉnh.
- Có nhiều việc làm, nhưng chỉ là những việc có mục-đích cần thiết và thích nghi, nhưng muốn làm hay không tùy ý, không ai bắt buộc phải làm gì cả, tự mình chọn lấy việc làm nếu muốn tiến.
- Ý nghĩ cũng là hành động. Với ý nghĩ chúng ta tạo nên không những khuôn khổ cho đời sống tương lai, mà còn cả Thiên đường hay Ðịa ngục cho chính mình.
- Tham thiền rất là quan trọng, cần tiếp tục luôn luôn trong cõi hữu hình, vì đó là sợi dây liên lạc với tâm của Thượng Ðế. Như người đi học, mỗi ngày bài học khó hơn hôm trước. Cũng thế, mỗi ngày bỏ qua không tham thiền là một ngày uổng phí, mà thời giờ trôi đi rất nhanh chóng. Có ở bên vô hình mới thấy rõ là bên hữu hình một đời người không lâu hơn một tia chớp là bao, và thời gian từ đời sống nầy sang đời sống khác, có khi trải hàng bao nhiêu thế-kỷ hay hàng triệu năm, cũng chỉ như là nh ững lúc chờ đợi hơi lâu mà thôi.
- Thời gian trong cõi vô hình không có nghĩa gì cả. Không ai có tuổi, vì ai cũng có từ lúc sơ khai và không bao giờ là tận cùng, không có thời giờ, không có gì chết, không có sự chết. Mọi vật đều có từ đầu, không có việc gì tiêu diệt, chỉ là thay đổi trạng thái, như con sâu hóa bướm, rồi tan rã và hồn nó lại sang một thân hình khác.
Ông Ford kể lại cảm giác của ông: Sau khi thoát xác, tôi cảm thấy nhẹ-nhàng, tự do, sung sướng, không còn vướng-víu xác thân nặng nề, không còn bệnh hoạn đau đớn, cảm giác khoan-khoái không sao tả được. Rồi gặp các bạn bè thân thuộc xưa kia đến chào đón vui mừng. Ðời sống hai bên không khác gì nhau, chúng tôi vẫn ở đây, duy không có cái thể xác bị nhiều luật vật-chất ràng buộc. Chúng tôi tự do như gió muốn đi đâu và lúc nào cũng được, có thể đi xuyên qua các vật hữu hình. Nhưng không phải là đi lang-thang, vì ai cũng có mục đích.
Mục đích ở đây cũng như ở bên hữu hình, là làm theo ý muốn của Thượng Ðế. Chúng tôi không ai giống ai, mỗi người một việc khác nhau. Chúng tôi thực sự không được trông thấy Thượng Ðế, nhưng lúc nào cũng cảm thấy Thượng Ðế ở gần kề, vì chúng ta là Thượng Ðế, Thượng Ðế là chúng ta, không có cách biệt. Chúng ta cũng ví như những ngón tay, tuy rằng riêng biệt nhưng vẫn thuộc vào một khối chung.
Thượng Ðế là một sức mạnh trường tồn, nó hợp nhất tất cả mọi vật trong vũ-trụ. Sức mạnh ấy là Chân-lý vũ-trụ, là toàn thiện vũ-trụ. Người mới sinh ra cũng toàn thiện, nhưng sau càng đông thì càng cạnh tranh nhau về vật chất nên mất hòa đồng , mất hòa đồng là căn-bản sinh ra tội ác, cho nên phải chịu luân hồi. Nhưng chúng ta sẽ luôn luôn tìm đến toàn thiện, tìm đến tình thương của Thượng Ðế, tình thương là chất keo gắn liền chúng ta với sức mạnh trung-ương. Hãy yêu thương lẫn nhau, yêu thương Thượng Ðế, yêu thương chính mình, hãy tự mình hòa điệu với sức mạnh vô cùng ấy. Vì chúng ta còn thiếu sót chưa toàn thiện, nên còn phải trở lại trái đất nhiều lần, để mài dũa những khía cạnh lởm chởm của chúng ta cho được hoàn toàn tròn trặn để hòa đồng với đại khối.
Thượng-Ðế cũng là sự hiểu biết hoàn toàn, biết cả những điều cầu nguyện chưa phát ra lời. Ngài là ánh sáng, là sự thật, là tình thương. Ngài là đức Sáng Tạo ra ta, là cha chúng ta, yêu thương mỗi người trong chúng ta. Ngài sẵn-sàng ban cho ta tất cả những gì lợi ích nhất cho ta mà không thiệt hại đến ai khác. Tất cả những điều cầu nguyện do lòng tin và tình thương đều được ban cho. Ngài hàn gắn vết đau, Ngài yêu thương, Ngài an ủi, Ngài coi sóc ngày đêm và năm tháng. Thượng Ðế là tất cả.
Ông Ford nói đến vài trường hợp khác nhau của những người đã bước qua cửa tử.
Người mới qua đời với cái chết tự nhiên, bỏ lại xác thân mệt mỏi bệnh hoạn, thì hồn lìa ra dễ dàng không cảm thấy gì.Vừa mới lúc trước còn mang mớ xương thịt đau đớn, mà ngay sau đó đã thấy mình ở trong cảnh đẹp tươi trong sáng. Có người ở trên một cánh đồng cỏ có cây có suối. Bỗng nhớ nhà muốn về nhà, tức thì về ngay, thấy nhà đông người mà không ai để ý đến mình cả. Thấy vợ mặt áo tang ngồi khóc, y lại gần vỗ-về vợ, nhưng vợ không trả lời. Rồi thấy sửa soạn đám tang, y đến gần xem thì rất hoảng sợ, vì đây là lần đầu y trông thấy thân hình y nằm đó và người ta sắp đem chôn. Y cố kêu gọi mọi người rằng y vẫn còn khỏe mạnh đây, nhưng vô ích. Rồi y thấy nhiều người thân củ đã chết từ lâu vây quanh chào đón và nói cho y biết rằng y đã sang cõi vô-hình. Một ông già râu bạc gọi y đến trường học, trong lớp có nhiều người khác, ông già cho biết y nay đã thoát xác rồi, gia đình bè bạn không thể trông thấy và nói chuyện với y được nữa. Y phải chấp nhận và tập cho quen với đời sống tâm linh, có nhiều khả năng hơn trước. Bấy giờ y nhớ lại cuộc đời đã qua và cả những đời trước nữa. Y rất đau khổ đã không hoàn tất được công việc mà y đã quyết định làm khi y nhận lãnh cái thân xác thịt vừa qua. Nay y nhớ lại cái mục tiêu mà y tự đặt ra khi đó, và giận cho y đã quên mất vài phần khi ở trong đời vật chất. Tại sao tiềm thức y nhớ, mà tâm thức y lại quên? Do đó y đã uổng phí một phần đời y, khiến cho y chậm tiến. Y cũng nhận thấy rằng đây là một thế giới hoạt động, người lười biếng tự làm hại mình vì không a i bắt buộc phải làm gì cả, không làm gì thì cứ ở mãi trong tình trạng thấp kém mà không tiến cao lên được.
Hành động tốt nhất để tiến là ban bố tình thương. Một ý nghĩ không tốt, nhất là một ác ý đối với ngươì khác, có thể làm chậm bước tiến đến độ phải cần cả một đời tương lai hoặc hơn nữa để gạt bỏ vết đen ghi trong cuốn sổ tiềm thức. Chớ nói ác, chớ nghĩ ác. Không có điều ác nếu tự ta không tạo ra nó. Chính chúng ta là ma quỷ của chúng ta.
Trong đời sống xác thịt, ta có thể vượt qua được các chướng ngại của thân vật chất, nếu những sự ham muốn, thù hận, được gạt bỏ ra ngoài. Ðời sống thế gian là một đời sống đầy cám dỗ. Sự thách đố vượt qua cám dỗ là con đường nhanh chóng nhất để tiến lên trình-độ cao hơn. Ðối với vô cùng, thì cái thân vật chất chỉ được một khoảnh-khắc ngắn ngủi đã bị hủy diệt rồi, thế thì tại sao không cố vượt qua cám dỗ vật chất nó chỉ tồn tại trong một chớp mắt, để cho sự tiến hóa của ta bị trì hoãn. Nên luôn luôn lưu tâm vào điểm nầy để thắng lực lượng ma quỷ nó vây quanh ta và thúc đẩy ta xa Ðấng Tạo Hóa, chỉ vì khoái lạc nhất thời.
Ma quỷ không phải là một người, hay nói đúng hơn là một hồn người, nhưng là một lực lượng mà mỗi hành động sai lầm càng làm cho nó mạnh hơn. Nguyên thủy chỉ có một danh từ, là danh từ Thiện tức là Thượng-Ðế. Cha chúng ta không đặt ra điều ác, nhưng những linh hồn ở trong thể xác thì ham muốn, tranh đấu, cải cọ với nhau, muốn cho mình được hơn kẻ khác, nên tạo ra một lực lượng ác, dần dần kết thành khối mà người ta quen gọi là quỷ Satan. Không phải Thượng Ðế mà chính là người đã sinh ra quỷ Satan, nó không phải là một linh hồn ác, nhưng là sự hình thành của tội ác, nuôi dưỡng bằng mỗi ý nghĩ và hành động ác. Muốn phá Satan, người cần thức tỉnh rằng ý nghĩ cũng là hành động, và mỗi khi một ý nghĩ ác hoặc hành động ác được thay bằng một ý nghĩ hoặc hành động với tình thương, là mỗi lần con quỷ sẽ bị thu nhỏ lại một phần. Ðến khi nào thiện hay ác không còn trong trái tim mọi người trên trái đất, không những trong thể xác mà cả trong tâm linh, thì chúng ta sẽ đạt tới Chân - Thiện - Mỹ.
Người ốm nặng mong chết để thoát khổ, là người mà hồn lìa xác nhẹ-nhàng hơn cả, vì sung sướng trút bỏ được cái thân bệnh hoạn. Người có tâm đầy tình thương, sẵn-sàng giúp đỡ những linh hồn khác, như những trẻ thơ ngay không có mẹ và những hồn mới còn gặp khó khăn.
Những người chết đột ngột mà không phải là lỗi của họ, như bị tai nạn, bị sát hại hay vì chiến tranh, bị xúc động mạnh khi thấy mình ở trong cõi vô hình không còn làm được những việc quen làm trước kia. Những linh hồn khác hết lòng giúp họ để họ thích nghi với hoàn cảnh mới.
Những người đi lính miễn cưỡng bị tử trận, rất tức giận đã mất cái thân xác trẻ trung hăng-hái. Sự tức giận đó đã không thể giải quyết được gì, còn cản trở bước tiến của tâm linh rất nhiều.